Lâm Hào – Ông “vua” chế tạo guitar điện của Sài Gòn

Trước năm 1975 tại Sài Gòn, để sở hữu được cây guitar điện chính hãng thì rất khó, vì khó nhập hàng và quá đắt đỏ. Chính lúc ấy Lâm Hào xuất hiện, ông gần như đáp ứng 100% nhu cầu của nhạc công và nhạc sĩ chuyên nghiệp tại đây.

Ông Lâm Hào ở tuổi 80, ảnh chụp tháng 3/2013. Ảnh: Như Hà

Cây guitar điện (xin gọi nôm na như thế) quan trọng như thế nào với giới chơi nhạc điện tử nói chung và nhạc rock’n’roll nói riêng thì khỏi cần phải bàn nữa, ai cũng biết rồi. Trước năm 1975 tại Sài Gòn, mà cụ thể đầu thập niên 1960, khi nhạc trẻ (cũng xin gọi nôm na như thế) Tây phương du nhập vào Sài Gòn, nhanh chóng được giới trẻ ở đây tiếp nhận, nhưng để sở hữu được cây guitar điện chính hãng thì rất khó, vì khó nhập hàng và quá đắt đỏ. Chính lúc ấy Lâm Hào xuất hiện, ông gần như đáp ứng 100% nhu cầu của nhạc công và nhạc sĩ chuyên nghiệp tại đây, vì đàn do ông chế tạo có chất lượng, nhưng giá thành khá rẻ, chỉ bằng khoảng 1/10, 1/20 giá của đàn nhập. Những đóng góp của Lâm Hào cho việc thịnh hành khái niệm “nhạc trẻ Việt Nam” thật khó phủ nhận, nhưng từ đó đến nay, hơn 50 năm, đây có lẽ là một trong vài bài viết hiếm hoi về ông.

Ông Lâm Hào thời còn trẻ

Tay bass Tiến Chỉnh khẳng định thế hệ nhạc công và nhạc sĩ chuyên nghiệp ở Sài Gòn thập niên 1960, 1970 ai cũng từng sở hữu ít nhất một cây đàn của Lâm Hào, vì đây là nhạc cụ để lập nghiệp. Theo nhạc sĩ Thanh Châu, các đại nhạc hội lớn trước 1975 thường mời ông Lâm Hào sắp đặt âm thanh, mà gần như phần lớn guitar điện trên đó và nhiều nhạc cụ khác như ampli, echo là do chính ông chế tạo. Ông Châu cho biết thêm, sau năm 1975, vì tiếng đàn của Lâm Hào quá hay, độ ngân dài, tiếng chép tinh tế, nên nhiều nhạc sĩ cổ nhạc đã tìm mua đàn cũ về thay cần phím lõm để chơi nhạc vọng cổ, cải lương. Mãi tới thập niên 1990, guitar điện của Lâm Hào mới vắng bóng trên thị trường, vì hết nguồn cung cấp, chứ không phải hết nhu cầu.

“Bối cảnh” của Lâm Hào

Trước năm 1960, có thể nói là chưa có khái niệm nhạc trẻ, dù đã có những thanh niên, thường là giới khá giả, tập họp nhau lại để chơi nhạc cho vui, hoặc để tự chơi cho các party gia đình, vì giai đoạn này, vũ trường đang bị cấm. Sau năm 1960, do sự thắng thế của một loạt các ban nhạc trẻ như The Beatles, The Rolling Stones, The Animals…; và một loạt những phim ca nhạc như Pop Gear, The Young Ones…; và ở Pháp xuất hiện những ban nhạc trẻ, những ca sĩ trẻ như Les Chats Sauvages, Les Chaussettes Noires, Johnny Hallyday, Sylvie Vartan…. Tất cả đều ảnh hưởng đến Sài Gòn, khiến nhiều người bắt chước.

Làn sóng âm nhạc châu Âu thời này, có lẽ lần đầu tiên, đã tác động rất mạnh đến giới trẻ Việt Nam. Trước đây, các nhạc sĩ thường là những người theo nhạc nhà nghề, nhưng giai đoạn này, rất đông thanh thiếu niên, đặc biệt là ở Sài Gòn, gồm những người trẻ đang theo học bậc trung học, thuộc thành phần trung lưu, hoặc con nhà khá giả, đã tự phát lập nên những ban nhạc trẻ. Lúc đầu, chỉ là để vui chơi, nhưng sau đó, một số người trong số họ đã trở thành chuyên nghiệp. Trong số này có những tên tuổi như Elvis Phương, Công Thành, Đức Huy, Tiến Chỉnh, Paolo, Tuấn Ngọc, Billy Shane, Thanh Tùng, Thái Gia, Tùng Giang, Hồng Hải… – đây là giai đoạn trước ngày 1/11/1963.

Nhạc trẻ miền Nam chính thức hoạt động công khai sau ngày đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm (1/11/1963), bởi ngay sau đó, lệnh cấm khiêu vũ và vũ trường bị bãi bỏ. Tướng Trần Văn Đôn và Tôn Thất Đính của chính quyền Sài Gòn lúc đó còn làm chủ tọa một đêm nhạc trẻ quy mô tại khiêu vũ trường Đại Kim Đô vào cuối tháng 11/1963. Đây cũng là đại hội nhạc trẻ đầu tiên của Sài Gòn, và Việt Nam. Theo nhạc sĩ Trường Kỳ, thế hệ của Công Thành và ban Les Fanatiques cũng từng tham dự một chương trình đại hội nhạc trẻ quy mô hơn sau đó, được tổ chức tại Trường Taberd vào năm 1965.

Chính trong giai đoạn sôi động này, khi mà nhu cầu đàn guitar điện và nhạc cụ điện tử leo thang, trong khi việc nhập khẩu rất hạn chế, lại đắt đỏ, Lâm Hào đã xuất hiện kịp lúc và hiệu quả. Là người Việt gốc Hoa, xuất thân ở Chợ Lớn, người cao to, tính tình dễ thương, sống rất uy tín, có tiệm đàn trên đường Triệu Quang Phục (số 142, theo căn cước của ông). Thời này, gần như 100% nhạc sĩ, nhạc công và ca sĩ chuyên nghiệp ở Sài Gòn đều phải đến tiệm của Lâm Hào để đặt đàn guitar điện, làm ampli, echo amplifier… Có những năm cao trào, xưởng của ông phải làm việc ngày đêm mới đủ nhu cầu của giới chơi nhạc trẻ từ Huế trở vào.

Hợp ca Thời Đại gắn bó lâu dài với đàn Lâm Hào

Có thể kể một ban nhạc tiền phong của nhạc trẻ Việt Nam là Hợp ca Thời Đại của anh em Dương Quang Định, Dương Quang Minh, Châu Nhi và tay trống Phùng Trọng, họ khá gắn bó với nhạc cụ của Lâm Hào. Những tên tuổi nổi tiếng thời bấy giờ (1963-1965) như Văn Trò, Jacques, Đức Huy, Văn Thái, Liêm “râu”, Thúy Ái, Hùng Tàu, Tiến Chỉnh, Nhơn “Bass”, Ngọc Tùng (ban The Black Caps)… cũng thành danh với nhạc cụ Lâm Hào. Sau năm 1965, một số người đã thành nhà nghề, đã đủ tài chính, thì mới bắt đầu mua các nhạc cụ ngoại quốc để sử dụng, lúc này các loại đàn tên tuổi như Hofner, Fender, Gibson, Gretsch… mới hiện diện phổ biến hơn.

Ban nhạc Dew Drop với hai nhạc sĩ rock gần như đầu tiên của Việt Nam là Khánh Băng (guitar, trái) và Phùng Trọng (trống) chẳng xa lạ với đàn của Lâm Hào

Theo nhạc sĩ Trần Thạnh, trước 1975 tại Sài Gòn, chỉ có 3 loại guitar điện nổi tiếng về chất lượng âm thanh, đầu tiên là đàn của Mỹ, thứ đến là đàn Lâm Hào và sau cùng là đàn của Nhật. Lớp của Lý Được, Đạt “Da Vàng”, Linh “xù”… (thế hệ thứ ba, thứ tư của rock’n’roll Việt Nam) cũng không xa lạ với guitar Lâm Hào. Với một thời gian dài cầm đàn, nhạc sĩ Bảo Thạch nói rằng tiếng của cây đàn Lâm Hào có một “hương vị” rất riêng, nghe rất hấp lực, khó diễn tả cụ thể, ai từng chơi đều sẽ cảm được.

Nhạc sĩ Trần Thạnh với cây đàn Lâm Hào.

Tác giả Hữu Nghị từng viết trên Tuổi trẻ (14/10/2007) như sau: “Trong âm nhạc, ngay từ đầu thập niên 1960, làn sóng rock‘n’roll (với đại diện là ElvisPresley) và “sự xâm lược của làng nhạc Anh” (đại diện là The Beatles), với thành phần gồm ba guitar điện cộng dàn trống, vừa đàn vừa hát đã “đảo chính” phong cách biểu diễn cũ gồm dàn nhạc kèn trống đệm cho một ca sĩ hát, tạo thành một làn sóng trên khắp thế giới, sang đến cả Sài Gòn. Những năm đầu đó tậu được guitar điện hiệu Đức Thắng, ampli đàn hiệu Lâm Hào đã là ghê gớm rồi…”.

Lâm Hào với guitar Fender

Cũng giống như Leo Fender (1909-1991), nhà phát minh và chế tạo guitar điện vĩ đại người Mỹ – nhãn hiệu Fender, Lâm Hào gần như không biết chơi đàn, cả hai vì yêu thích chế tạo nhạc cụ mà làm nên thành tích.

Cây đàn Fender 1000 Steel Guitar (hình cận), mà theo Lâm Hào là khó chế tạo nhất.

Cây đàn Fender Stratocaster hoàn chỉnh thiết kế và chào hàng năm 1954 tại Mỹ, đến Sài Gòn vào khoảng 1957-1958, tuy đây là mẫu mã ảnh hưởng đến chế tác của Lâm Hào nhiều nhất, nhưng không phải đầu tiên. “Thủy tổ” của đàn Lâm Hào bắt nguồn cảm hứng từ cây Fender Telecaster, ra đời khoảng 1950 tại Mỹ, theo chân các ban nhạc người Philippines và nghệ sĩ người Pháp đến Sài Gòn trước năm 1954. Theo lời kể của vài nhạc công cùng thời, ở tuổi đôi mươi, Lâm Hào là một thợ điện tự học về điện tử, ông đã bỏ tiền ra mua Fender Telecaster (với giá tương đương một năm lương viên chức) về giải phẫu để nghiên cứu nguyên lý và cấu tạo từng chi tiết. Rất nhanh chóng, chỉ chừng một năm sau là ông đã chế tạo thành công cây guitar điện đầu tiên, mà nền tảng kỹ thuật và âm thanh của nó là cây Fender Telecaster; tất cả thân và cần đàn của Lâm Hào đều do nghệ nhân mộc tên Tiếp (quận 4) đóng. Nhạc sĩ Trần Thạnh nói rằng cây đàn Lâm Hào tuy là bản sao, nhưng là bản sao có sáng tạo riêng, với nhiều cải tiến, ví dụ như cần đàn ngắn hơn, phím và dây vừa vặn với thể trạng người Việt. Quan trọng nhất là âm thanh có những nét đặc thù, dù chuẩn mực và yêu cầu chung thì vẫn đạt được; đứng trên sân khấu, tiếng đàn của Lâm Hào là một chín một mười với Fender, ăn đứt đàn Nhật và một vài nước khác.

Sau này, khi hàng trăm cây đàn của Lâm Hào đã ra thị trường, thì giới am hiểu nhạc cụ thấy nó là sự pha trộn của Telecaster, Stratocaster, Fender Mustang và những đặc trưng âm thanh riêng, chẳng có ở nhãn hiệu nào. Cũng có vài thông tin chưa xác định được nguồn cho rằng Lâm Hào đã được Mỹ cấp mấy bằng sáng chế và có vài cải tiến, phát kiến của ông đã được Hãng Fender mua để ứng dụng (?).

Có một giai thoại kể rằng, ngay sau khi sang Mỹ định cư, Lâm Hào đã tìm đến Hãng đàn Fender để xin việc, họ chẳng biết kiểm tra tay nghề của ông thế nào, đành để ông làm thử một cây đàn tại chỗ xem sao. Sau khi ông làm xong tại xưởng, với niềm khâm phục, họ đã nhận ông vào làm việc ở bộ phận sản xuất đàn bằng tay và sản xuất theo yêu cầu của khách hàng, ông gắn bó suốt phần đời còn lại với hãng này, gần như không có chế độ nghỉ hưu. Giai thoại đóng đàn xin việc thế nào người viết chưa xác minh được, nhưng việc Lâm Hào làm trong Hãng Fender thì khá chắc chắn, vì có vài bạn bè và người trong gia đình biết.

Năm 2013 Ông Lâm Hào đã có cuộc trao đổi, chia sẻ thông tin với với báo Thể Thao và Văn Hóa Cuối Tuần như sau:

* Ông ước tính mình đã làm khoảng bao nhiêu cây guitar điện không?

– Chẳng thể nào biết được, vì hơn 20 năm trong nghề, bên cạnh những chuyên viên về gỗ, về thép và bo mạch, tôi còn có hơn 40 thợ gia công tại xưởng, tất cả đều sống được. Chúng tôi vừa làm đàn cho nghệ sĩ chuyên nghiệp, vừa làm cho các cửa hàng bán đàn phổ thông ở khắp nơi. Trung bình mỗi ngày chúng tôi làm chừng 4-5 cây đàn cho nghệ sĩ chuyên nghiệp, lúc này vị thế cây guitar điện trong ban nhạc và cả ngoài xã hội rất quan trọng, là thời thượng, nên nhiều người muốn có.

* Tại sao ông lại nảy ra ý chế cây đàn theo Fender?

– Khoảng năm 1956, khi nhiều người Mỹ tại Sài Gòn muốn tìm chỗ sửa đàn. Khi cầm cây Fender trên tay, tôi đã nhanh chóng sao chép nó để nghiên cứu tổng thể và chi tiết, với mục đích sửa chữa cho ngon lành. Thời điểm đó, sở hữu được cây Fender thì xem như đời lên số má, vì nó rất đắt đỏ, khó mua, lại chuẩn mực về âm thanh. Mà không riêng gì người Việt thấy Fender đắt, người Mỹ cũng thế, nên nhiều người đã đặt tôi làm giống nhãn hiệu này. Đồ của Fender, thời bấy giờ (năm 1962), cây đàn Fender 1000 Steel Guitar là khó làm nhất, cả châu Á chưa nước nào làm được, vậy mà tôi dám nhận lời làm cho một người Mỹ một lúc 6 cây. Cái này là phiêu lưu khám phá thôi, chứ khi vào làm mới thấy mất công và tốn tiền dữ lắm, lỗ sặc gạch. Bên Mỹ cây đàn này được bán với giá chừng 2.000 USD, lúc đó tôi chỉ lấy 350 USD.

* So với Fender, cái gì ông ưu trội, cái gì ông chịu thua?

– Rõ nhất là chịu thua về nước sơn, vì nguồn sơn và thợ sơn của mình không lành nghề bằng họ, nên chơi vài ba năm là bong tróc; gỗ của mình cũng không tốt bằng, nên sau khoảng 10 năm là mối mọt. Mỹ cũng biết điều này nên hay đặt tôi làm đàn sơn mài hoặc cẩn xà cừ, họ rất thích, vừa lạ mắt, vừa rất bền. Cái khó nhất trong cây đàn Fender là cần đàn gỗ, nó có một lõi thép chính giữa, lên dây kiểu gì cũng không cong, cái này chúng tôi mày mò hơn hai năm cũng làm được. Còn về âm thanh, tôi chẳng biết so thế nào, vì không đủ thẩm quyền, chỉ thấy giới chơi nhạc chuyên nghiệp người Mỹ hay Philippines rất thích đàn của tôi, mỗi lần về nước là đều dành tiền mua 5-7 cây. Thấy người nước ngoài mua đàn của mình nhiều, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình bán rẻ hơn (chừng 50 đến 100 USD/ 1 cây) và tiện đường, họ ở Sài Gòn thì mua đàn ở Sài Gòn, vậy thôi.

* Vậy sao khi sang Mỹ định cư, ông không xin vào làm trong Hãng Fender như nhiều người đồn đại?

– Tôi chưa bao giờ làm cho Fender, vì suy nghĩ rằng, ở Việt Nam mình làm đàn là vì bản thân, bạn bè, giới âm nhạc quá cần, qua Mỹ thì làm cho ai đây.

Khi đến Mỹ tôi đã mất hai năm đi học để thành kĩ sư, làm cho hai hãng chế tạo, một hãng có 400 người, một hãng có hơn 5.000 người, nghĩa là mình rất bé nhỏ trong đó. Tôi làm cho hãng 5.000 người rất lâu, chuyên sản xuất các siêu kính hiển vi để kiểm tra các con chip trong máy vi tính hoặc những thứ siêu nhỏ khác; vài cỗ máy như vậy có giá bán lên đến 26 triệu USD. Hãng này đã giữ chân tôi đến năm 76 tuổi mới cho về hưu. Nói dài dòng như vậy để thấy rằng, nếu có quyết tâm vào Fender, tôi có thể làm được, nhưng ở đời mỗi lúc có một ưu tiên, tôi đã quyết định bỏ nghề làm đàn ngay khi đến Mỹ.

* Ngoài guitar, ông còn chế tạo những nhạc cụ nào?

– Chúng tôi làm theo tinh thần cây nhà lá vườn, nghĩa là có nguyên vật liệu đến đâu làm đến đó, hoặc có nhạc sĩ yêu cầu trợ giúp, thì mình mày mò. Từ khoảng 1968, tôi đã sửa được đàn organ, khoảng 1970 là có thể chế tạo, nhưng chẳng ai đặt hàng, nên không làm.

Ngay khi làm được cây đàn guitar điện đầu tiên, tôi cũng làm được một ampli đủ sức đứng trên các sân khấu. Lúc đó ampli Fender có giá chừng 400 USD, của chúng tôi chỉ khoảng 60 USD, nên được nhiều anh em chơi rock ủng hộ, chúng tôi đã bán hơn 1.000 bộ ampli. Cũng như guitar điện, tôi đã tốn hai ba ngàn USD cho việc mua ampli mới về giải phẩu, tìm hiểu và lập xưởng đúc, xưởng chế tạo linh kiện… Ngoài ra, chúng tôi còn làm một số thứ lặt vặt cho dàn nhạc, ví dụ như micro không dây, hát nhạc gì thì dùng micro loại nấy…

Trong các loại guitar điện, tôi thích làm nhất là cây bass, một phần do mình thích chơi nhạc cụ này, một phần do thứ âm thanh mạnh mẽ và điệu nghệ của nó.

Nguồn: Bài viết của Như Hà (Thể thao & Văn hóa Cuối tuần)

Viết một bình luận