Làm sao để chúng ta có thể giữ gìn những hàng cây cổ thụ trăm năm tuổi tại Sài Gòn?

Trước khi những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát như hiện nay, Sài Gòn đã tồn tại những hàng cây cổ thụ mọc hai bên đường. Ngày nay, ta vẫn có thể thấy những cây cổ thụ ấy nằm rải rác ở công viên hoặc trên đường phố. Tuy đã tồn tại cả trăm năm với không biết bao lần che nắng, che mưa cho người dân Sài Gòn. Vậy mà giờ đây, chúng đang phải nằm chông chênh giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển kinh tế. Liệu rằng chúng ta có nên giữ gìn những hàng cây ấy nữa hay không?

Nhớ mỗi lần đi qua đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ Lê Duẩn đến Nhà máy đóng tàu Ba Son, đã không ít người cảm thấy mát mẻ khi đứng dưới những tán cây to của hàng cây cổ thụ. Nhiều người còn xuýt xoa ngắm nhìn bốn hàng cây cổ thụ thẳng tắp với đoạn đường dài khoảng 300m. Có những cây thân to đến nỗi 2 – 3 người ôm mới xuể.

Hàng cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng

Những hàng cây này đã có từ rất lâu về trước. Dạo một vòng quanh đó, hỏi thăm những người lớn tuổi. Họ cũng chẳng nhớ hàng cây này có từ khi nào. Chỉ biết hàng cây ấy đã xuất hiện từ khoảng những năm 1888, khi Pháp xây dựng xưởng sửa chữa đóng tàu Ba Son. Thông tin về sự xuất hiện của những cây cổ thụ thậm chí cũng không nằm trong hồ sơ của công ty quản lý môi trường hay cây xanh ở Sài Gòn.

Hơn 100 năm sau kể từ ngày Pháp xây dựng Nhà máy đóng tàu Ba Son, hàng cây ở đường Tôn Đức Thắng vẫn luôn là hàng cây cổ thụ cổ kính, những kỷ niệm với Sài Gòn dường như in đậm trong tâm trí mọi người qua hình ảnh hàng cây cổ thụ này. Dù cho trải qua những biến cố của lịch sử, hàng cây ấy vẫn đứng sừng sững ngắm nhìn dòng chảy của thời gian. Ấy thế mà bây giờ chúng đang dần bị chặt hạ đi để lấy không gian xây dựng và phát triển công trình hạ tầng giao thông. Điều này khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối, có người còn phẫn nộ khi nghe tin hàng cây gắn liền với kỷ niệm của họ giờ đây đã sắp sửa không còn tồn tại. 

Khi nhắc đến đường Tôn Đức Thắng, mọi người liền nhớ ngay đến hàng cây xà cừ (loại cây xuất xứ từ Châu Phi) trăm tuổi. Ngoài ra, trên đường phố Sài Gòn, người ta sẽ bắt gặp hình ảnh cây dầu con rái. Loại cây này rất quen thuộc với người dân Việt Nam, là loại cây bản địa, xuất hiện không chỉ ở đường phố Sài Gòn mà cả ở các tỉnh thành trên cả nước.

Ngày nay, khi đi dọc trên tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Hưng Đạo,… Chúng ta cũng dễ dàng thấy được sự xuất hiện của hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát cả con đường dài. Để có được những bóng râm ấy, hàng cây này phải được trồng và giữ gìn từ rất lâu mới có được thành quả như ngày hôm nay. 

Hàng cây trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm
Những hàng cây xanh trên đường Phùng Khắc Khoan – Sài Gòn năm 1972

Đặc biệt, dọc đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ngoài những hàng cây cổ thụ cao ngút tầm mắt thì còn có bức tường dài rêu phong của trường Trưng Nữ Vương – Nơi cho ra đời nhiều thước phim hoài cổ.

Trên địa bàn Sài Gòn hiện nay có đến 5500 cây cổ thụ, chủ yếu được trồng và giữ gìn ở các công viên như Tao Đàn, Gia Định,… Khi đi dạo trong công viên, nếu để ý bạn sẽ thấy trên một số thân cây có ghi tên loại cây. Những loại cây chủ yếu được trồng ở công viên được kể đến là xà cừ, dầu con rái. Tuy nhiên, vì sự phát triển kinh tế cũng như môi trường mà những cây này đang dần bị biến mất vì tuổi già, sâu bệnh và cả việc chặt bỏ để xây dựng đường sá.

Từ cách đây hơn trăm năm trước, người dân Sài Gòn đã ủng hộ việc bảo vệ cây xanh chứ không phải chỉ khi thông tin đốn cây xây dựng đường sá, cầu Thủ Thiêm 2 được hình thành. Khi xưa, trong quá trình phát triển Sài Gòn, người Pháp đã quy định chặt chẽ trong việc bảo vệ cây xanh. Những ai xâm phạm cây xanh sẽ bị phạt tù. Trong nghị định tháng 5-1865, giám đốc Nha nội vụ người Pháp tên Viral đã đưa ra thông báo rằng nếu ai làm hư hại một hoặc nhiều cây mà đã biết đó là cây của người khác thì kẻ đó sẽ bị phạt tù 6 ngày đến 2 tháng. Ngoài ra, ngày 22/10/1866, theo văn bản “hiệp theo điều lệ về việc sửa trị cùng các việc đàng sá ở nơi Sài Gòn” do thống đốc Nam Kỳ La Grandière đã kí cũng nêu rõ rằng những ai có ý định làm thiệt hại cây sẽ bị phạt từ 1 cho đến 10 quan, đồng thời người đó sẽ bị phạt tù từ 1 đến 5 ngày. Để củng cố cho chuyện này, vào năm 1875, thống đốc Nam kỳ Duperré còn ra nghị định để quy hoạch đất đai nhằm quản lý loại cây nào được chặt và loại cây nào cần giữ lại.

Hiện nay, theo nghiên cứu, nhiều nhà khoa học kiến nghị nên giữ lại và hạn chế đốn chặt các cây xanh. Bởi vì chúng không những tạo bóng mát mà còn có chức năng đem lại không khí trong lành cho thành phố. Vì vậy, việc bảo vệ cây xanh trên đường và trong công viên là vấn đề vô cùng cần thiết. Những con đường có cây xanh cần được bảo tồn có thể kể đến như: Huyền Trân Công Chúa, Tôn Đức Thắng, Sương Nguyệt Anh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa,… Tuy nhiên, hàng cây trên một số đường đã không được giữ lại. Ví dụ trên đường Tôn Đức Thắng, hàng cây cổ thụ lâu năm đã bị chặt bỏ để xây các công trình hạ tầng. Những loài cây như: săng mã, trắc, đỗ mai, cẩm lai,… cần được đưa vào danh sách bảo tồn. Thế nhưng vấn đề này vẫn không mấy được quan tâm. 

Từ trên nhìn xuống thấy được hai hàng cây cao ngút trên đường Trần Hưng Đạo
Hàng cây xanh trên đường Huyền Trân Công Chúa

Để xây nhà cao tầng thì cần thời gian vài năm, nhưng để trồng cây thì phải mất trăm năm. Vậy nên chúng ta phải trân trọng và gìn giữ những cây cổ thụ trăm năm tuổi ấy. Trân trọng điều ấy cũng giống như trân trọng quá trình hình thành của Sài Gòn.

Những hàng cây cổ thụ sau khi bị đốn chặt, không gian Sài Gòn trở nên lạ lẫm với nhiều người, nhất là người đã gắn liền với nơi này từ rất lâu về trước. Thật tiếc thay cho những con đường từng xanh mát nhất Sài Gòn.

Viết một bình luận