Ngắm nhìn “hòn ngọc Viễn Đông” Sài Gòn và Chợ Lớn vào đầu thế kỷ XX qua những bức ảnh quý – Phần 1

Sài Gòn và những phụ cận vào đầu thế kỷ XX luôn mang đến cho chúng ta những điều bất ngờ lý thú, những bức ảnh xưa cho ta biết về một Sài Gon trù phú và giàu có cả kinh tế lẫn văn hóa từ hơn 100 năm trước. Ở đó có rất nhiều điều mới lạ với con đường “lạ quen”, những chùa chiền từ thành phố đến nông thôn, những bến cảng tấp nập, các nhà thờ thiết kế đồ sộ, những tàu thuyền neo đậu trên sông Sài Gòn, những con phố Tàu – Tây thanh lịch và nhộn nhịp, nhà máy, xưởng đóng tàu, tuyến đường sắt,….đều là những công trình kiến trúc tuyệt đẹp ở Sài Gòn – Chợ Lớn.

Một góc phố thuộc khu vực Chợ Lớn – Trong hình là ngã ba đường Trần Hưng Đạo và đường Phạm Đôn.

Chiếc xe thổ mộ đang di chuyển trên đoạn ngã ba Trần Hưng Đạo – Phạm Đôn

Bến Mỹ Tho, trước năm 1975 thì đây được gọi là Bến Lê Quang Liêm, nhưng sau đó đã được lấp lại và tạo thành đường Võ Văn Kiệt (hay còn gọi là Đại lộ Đông Tây như ngày nay.

Một góc chụp khác của Bến Mỹ Th ở thời điểm khác, bởi lúc này đã có sự xuất hiện của đường ray xe lửa.

Trong hình là Cầu Malabars – Đây là cây cầu nằm thẳng phía trước đường Mạc Cửu, nối Bến Bình Đông bên trái với Bến Lê Quang Liêm bên phải hình (Thời Pháp thuộc Bến Lê Quang Liêm được gọi là Quai de Mytho, sau năm 1975 thì đổi thành bến Trần Văn Kiểu và cuối cùng bị lấp tạo thành Đại lộ Đông Tây hay là đường Võ Văn Kiệt ngày nay).

Quai de Mytho – Bến Mỹ Tho, cạnh cầu kinh Vạn Kiếp và dốc lên cầu Malabars

Chợ Cá phía trước Chợ Cũ, nằm ngay giữa đường Tổng Đốc Phương (nay là đường Châu Văn Liêm). Đây là hai trong số các ngôi chợ xưa nhất của Chợ Lớn, trước khi có Chợ Bình Tây tức Chợ Mới.

Chùa Bà Thiên Hậu hay còn gọi là chùa Bà Chợ Lớn là một ngôi miếu thờ Thiên Hậu Thánh mẫu tọa ở đường Nguyễn Trãi ngày nay. Chùa nằm trong khu trung tâm của những người Hoa đầu tiên đến tạo lập nên Chợ Lớn sau này.  Được xây dựng khoảng 1760 và qua nhiều lần trùng tu trở thành một trong những nơi thờ tự cổ nhất của người Hoa đã gây dựng trên đất Đề Ngạn xưa.

Cửa hàng bán lu, hũ sành ở “Low Road” (đường Bến Lê Quang Liêm, nay là đường Võ Văn Kiệt) ở khu vực Chợ Lớn

Tiệm bán nước mắm ở “Low Road” (Route Basse) ở Chợ Lớn.

Một nhà máy xay lúa với thợ đang giã gạo theo cách thủ ng

Những người công nhân đang gánh trấu lên thuyền.

Những chiếc thuyền đang đỗ trên sông Chợ Lớn

Bến thuyền ở Chợ Lớn

Phía xa là cây cầu bắc qua con rạch Lò Gốm ở khu Chợ Lớn. Con kinh chảy xuyên qua trung tâm Chợ Lớn, sau này lấp đi thành đường Hải Thượng Lãn Ông ngày nay.

Một chiếc postcard nổi bật của đầu thế kỷ 20

Nhà máy Rượu Bình Tây

Các thuyền đang chở lúa đến nhà máy xay xát lúa ở Bến Bình Đông, Chợ Lớn.

Kinh Hàng Bàng nhìn từ cầu Palikao, phía xa là cầu Ba Cẳng. Trong hình này chưa có cầu Gò Công, là cây cầu sắt bộ hành ở đầu đường Gò Công.

Chợ Lớn mới tức chợ Bình Tây, ngôi chợ có tuổi đời lớn nhất Thành phố. Chợ này do một thương gia người Hoa là Quách Đàm (còn gọi là Thông Hiệp) bỏ tiền ra xây dựng vào năm 1928 rồi tặng cho chính quyền thành phố lúc bấy giờ, khánh thành năm 1930. Đổi lại, ông chỉ xin xây dựng thêm mấy dãy nhà phố xung quanh chợ và đặt tượng mình giữa chợ khi mất.

Nhà ông Tổng đốc Phương trên đường Tổng Đốc Phương, nay là đường Châu Văn Liêm.

Nhà Tổng Đốc Phương. Tổng Đốc Phương, tên thật là Đỗ Hữu Phương, là một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp. Trong thời kỳ đầu quân Pháp đến chiếm đóng Việt Nam, trong dân gian có câu: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Căn cứ theo lời truyền này, thì ông được xếp ở vị trí thứ hai trong số bốn người giàu có nhất Nam Kỳ buổi ấy.

Không ảnh tổng thể khu vực Chợ Lớn. Chợ Lớn là tên của khu vực đông người Hoa sinh sống nằm ven kênh Tàu Hủ trải dài trên địa bàn Quận 5 và Quận 6, về phía nam tới Quận 8 và về phía bắc tới Quận 10 và Quận 11 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trước kia, khu vực này là một thành phố riêng biệt với Sài Gòn, gọi là thành phố Chợ Lớn. Phải đến tận năm 1931 thì mới được sát nhập lại tạo thành Khu Sài Gòn – Chợ Lớn.

Bến Mỹ Tho, trước năm 1975 thì đây được gọi là Bến Lê Quang Liêm.

Xe lửa Sài Gòn – Chợ Lớn trên Đại lộ Charner. Tòa nhà 2 tầng trong ảnh là sở Thuế Quan.

Chi tiết trang trí tòa nhà Thuế quan – Các cửa sổ của tòa nhà Hải quan của Foulhoux, được trang trí bằng cây thuốc phiện.

Chợ Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một – Bưu ảnh viết ngày 23/12/1908 với ý nghĩa “Thuyền đợi con nước”

Chợ Lái Thiêu được coi là một trong những khu chợ quan trọng của tỉnh trong mua bán và trao đổi hàng hóa.

Đình Thủ Đức – Bên trái là mặt trước của Đình đối diện với chợ Thủ Đức, bên phải là hình chụp từ phía sau của đình và chợ Thủ Đức.

Những người bán bánh dạo trên vườn hoa (sau này là công viên Lê Lợi) trước Nhà hát Thành phố (trước đó là Opera House trên đường Rue Catinat).

Chuyến xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn, đây là tuyến xe của hãng CFTI do ngựa kéo. Công ty CFTI (Compagnie française des tramways de l’Indochine, Công ty xe điện Đông Dương) do ông Ferret thành lập vào tháng 1 năm 1891 và xe tramway do ngựa kéo tuyến Sài Gòn – Chợ Lớn chạy dọc theo rạch Bến Nghé đã được khai trương vài tháng sau đó.

Góc đường Nguyễn Huệ, bên phải là Bến Bạch Đằng.

Cầu Mống – Đây là một cây cầu bắc qua rạch Bến Nghé và được coi là một trong những cây cầu cổ xưa nhất tại thành phố này. Cầu do Công ty vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes của Pháp bỏ vốn xây dựng vào năm 1893-1894, làm theo kiểu vòng mống cho nên dân gian gọi là cầu Mống.

Chợ Cũ ở góc đường Hàm Nghi – Võ Di Nguy (sau năm 1975 thì đổi tên thành đường Hồ Tùng Mậu), bên trái ngày nay là tiệm Như Lan.

Sài Gòn năm 1885

Đường Dưới – “Low Road”, nay là đường Võ Văn Kiệt

Hình này không chắc là một lễ hội hay đang là dịp nào đó mà rất đông người đang xếp hàng và chờ đợi.

Sài Gòn năm 1885 – Dưới thời kỳ Pháp thuộc, Sài Gòn trở thành trung tâm quan trọng, cả về hành chính lẫn kinh tế, văn hóa, giáo dục của Liên bang Đông Dương, được thực dân Pháp mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” hoặc một Paris nhỏ ở Viễn Đông.

Nhà máy điện đầu tiên tại Saigon (ảnh năm 1897) – do Công ty Điện lực Sài Gòn (Société d’Électricité de Saigon, lập năm 1896) của Hermenier và một số người khác xây dựng gần đường Nationale (nay là đường Hai Bà Trưng), phía sau Nhà hát Thành phố (nay là trụ sở Tổng công ty Điện lực miền Nam), xây xong vào năm 1897, tức 10 năm sau khi Nhật Bản có nhà máy điện đầu tiên ở Tokyo (năm 1887).

Chợ cũ năm 1904, Đại lộ Charner nhìn về phía Tòa Đô Chánh Sài Gòn. Chợ Sài Gòn cũ bao gồm năm hội trường, ngăn cách bởi các con hẻm. Các cột được xây bằng gạch và khung gỗ được lốp bằng những tầng ʟá mái bằng phẳng, ngoại trừ một trong số đó là mái tranh.

Quai de Mytho – Bến Mỹ Tho (Bến Lê Quang Liêm trước 1975, nay là đại lộ Võ Văn Kiệt). Nơi bóng tối bên trái là dốc lên cầu Vạn Kiếp, nơi sau này là đầu cầu Chà Và. Nhiều ghe xuồng cập bờ kênh này, ngay vị trí trung tâm thị xã Chợ Lớn, bốc dỡ hàng hóa trực tiếp tại các cửa hàng của thương lái.

Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1904, trong ảnh là những cửa hàng đồ thiếc, nay là đường Huỳnh Thúc Kháng. Tất cả các cửa hàng ở tầng trệt trên con phố thương mại này tại Sài Gòn (có lẽ là tại khu chợ cũ) đều là những cửa hàng bán các vật dụng bằng thiếc, nơi mặt tiền trưng bày những thau chậu và các bồn tắm ngồi làm bằng thiếc.

Nếu nhìn từ bên phải sang ta sẽ thấy bến Mỹ Tho (sau này là Bến Lê Quang Liêm), cầu Vạn Kiếp (nay đã bị lấp), rồi bên trái hình là dốc lên cầu Malabars.

Cùng một góc chụp nhưng được ghi nhận ở hai thời điểm khác nhau. Hình trên là lúc nước ròng, hình dưới là cùng chỗ này lúc nước lớn.

Đám tang tại tòa nhà ở đầu đường đại lộ Charner. Có lẽ chiếc cầu thang ngoài trời này được dựng tạm để phục vụ cho đám tang. Nhà cao bên trái là Sở quan thuế (Hôtel des Douanes). Một chi tiết khác thường khiến bức hình này trở thành một tài liệu hiếm gặp: một con n trùng (có lẽ là muỗi) có mặt ở bên trái, ở trên đỉnh cột điện. Phải chăng nó đậu trên ống kính máy ảnh khi bức ảnh được chụp? hay là nó có mặt trong quá trình tráng rọi ảnh?

Một đám tang của người Hoa trên đường Charner (sau này là đường Nguyễn Huệ), bên phải là Hôtel de Bretagne.

Một con đường Sài Gòn đã có những cây đèn được thắp sáng bằng dầu.

Chùa Ngọc Hoàng ở Dakao, nằm trên đường Phạm Đăng Hưng (giữa đường Nguyễn Văn Giai – Phan Thanh Giản, nay là đường Mai Thị Lựu). Ngôi chùa vốn là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế do một người tên Lưu Minh (người Quảng Đông) xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20. Đến năm 1984, thì điện Ngọc Hoàng được đổi tên là “Phước Hải Tự”.

Nhà thờ Chợ Đũi (Huyện Sĩ) đang xây dựng – Nhà thờ do ông bà Lê Phát Ðạt, tức Huyện Sỹ, hiến đất và xuất 1/7 gia tài để xây dựng. Khởi công xây dựng năm 1902 theo thiết kế của linh mục Bouttier, đến 1905 thì được khánh thành. Ban đầu nhà thờ có tên là Nhà thờ Chợ Đũi do thuộc họ đạo Chợ Đũi. Mặt khác, do Thánh Philípphê tông đồ là bổn mạng của Huyện Sỹ nên còn được gọi là Nhà thờ Thánh Philípphê. Tuy vậy, dân gian vẫn gọi là Nhà thờ Huyện Sỹ.

Chợ Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một năm 1904 – Trước sảnh xây của chợ nhiều tiểu thương đã bày hàng, chầu chực chờ khách, ngồi chồm hổm dưới đất. Trong số đó, những người buôn bán chiếu cói.

Viết một bình luận