Ngắm nhìn Sài Gòn vào cuối thế kỷ XIX – Có gì khác lạ so với ngày nay?

Sài Gòn của những năm cuối thế kỷ XIX – Thời cuộc đã thay đổi ra sao? Đổi mới hay vẫn còn giữ nguyên nét văn hóa những giá trị độc đáo của một quốc gia kiên cường?

Bản đồ Saigon 1867, cùng khoảng thời gian với những bức hình của Emile Gsell (1866)

1. Nhà thờ Đức Bà – Cathédrale Notre-Dame de Saigon

Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn có tên chính thức là Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, theo tiếng Pháp là Cathédrale Notre-Dame de Saigon hay thường được gọi với tên vắn tắt Nhà thờ Đức Bà.

Trước đó, nhà thờ được dự kiến xây dựng ở 3 nơi:

  • Trên nền của Trường Thi Cũ (nay thuộc góc đường Lê Duẩn và Hai Bà Trưng, tức là vị trí của tòa lãnh sự quán Pháp)
  • Ở khu vực Kinh Lớn, đây cũng là vị trí của nhà thờ cũ (nay thuộc đường Nguyễn Huệ)
  • Vị trí hiện nay: trên đường Công xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Sài Gòn
Hình ảnh Vương Cung thánh đường Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn được xây dựng hoàn thành vào năm 1880. Thời điểm này ở vị trí tháp chuông ủa nhà thờ vẫn chưa được lắp hai tháp bát giác như của hiện tại.
Ảnh chụp nhà thờ Đức Bà vào khoảng thời gian từ 1885 – 1890
Một bức ảnh chụp góc xa trực diện nhà thờ Đức Bà hướng đường Đồng Khởi
Hình ảnh chụp trong lúc lắp dựng hai tòa tháp thép bên hai bên tháp chuông nhà thờ. Hai tháp bát giác được xây dựng thành công vào năm 1895 có chiều cao khoảng 27m, trên mỗi đỉnh tháp có gắn thêm một cây thánh giá và 4 cửa sổ xung quanh tháp để tạo sự thông thoáng cho phía trên tòa tháp.

Trong một bài viết của tác giả Albert Butin với tiêu đề “Ngọn tháp kim loại của Nhà thờ Sài Gòn” xuất bản tháng 5. 1896 trên tạp chí Le Génie civil mô tả cặn kẽ việc lắp đặt thêm hai ngon tháp cao trên hai tháp chuông của nhà thờ và công việc này được giao cho Michellin. Khởi công vào 26.12.1894 và đến 28.2.1895 thì hai ngọn tháp được lắp thành công và hoàn thiện. Theo chính nguồn thông tin từ bài viết thì ngọn tháp phía tây (nằm cùng phía với công viên 30.4) sẽ được tăng thêm một chút chiều cao so với ngọn tháp bên kia (tức là phía bên Bưu điện Sài Gòn), dù nhìn trực diện sẽ cảm thấy cả hai tòa tháp đều rất cân đối.

Toàn cảnh mặt sau của nhà thờ vào năm 1900, được chụp bởi Dieulefils
Toàn cảnh mặt trước nhà thờ vào năm 1900 được chụp bởi Dieulefils
Mặt sau của nhà thờ lớn. Lưu ý ki-ốt của vòng tròn các sĩ quan, ở bên trái

2. Ga Sài Gòn

Vào thế kỷ XIX, khu vực Ga Sài Gòn được người Pháp xây dựng trên vị trí của công viên 23 tháng 9 ngày nay. Trước đó, đây là tuyến hỏa xa Sài Gòn – Mỹ Tho với mục tiêu nối liền tuyến xuyên Việt kéo dài đến tận Phnom Penh, Campuchia. 

Ga Sài Gòn năm 1881 (khu vực nay là Công viên 23.09)

Nhưng sau sự kiện 30/04/1975, ga xe lửa bị phá hủy và được chuyển dời đến vị trí quận 3 của hiện nay. Tại vị trí cũ của Ga Sài Gòn thì được chia làm 2 phần: một phần được xây dựng thành công viên, một phần còn lại thì xây cất thành khu dân cư.

3. Tu viện Sainte Enfance

Tu viện Sainte Enfance được xây dựng vào năm 1862 do Mẹ bề trên Révérend Benjamin bỏ công xây cất. Ban đầu tu viện này được xây dựng bằng gỗ, sau này được khởi công phụ chế lại bằng gạch, bê tông và được mở rộng thêm ra.

Tu viện “Sainte Enfance” của các soeurs dòng thánh Paul (Thánh Paul thành Chartres) là tu viện nữ tu đầu tiên ở Việt Nam. Hai nữ tu đầu tiên đến Saigon năm 1860 và tu viện được hoàn thành quá trình xây cất vào năm 1864. Từ năm 1924, tu viện “Sainte Enfance” được đổi thành “Saint Paul”.

Tu viện Sainte Enfance chụp vào khoảng những năm 1860 được chụp bởi nhà nhiếp ảnh tiên phong của Trung Hoa là Pun Ky (Tân Kỳ)

Có nhiều tư liệu vẫn cho rằng ông Nguyễn Trường Tộ là tác giả của mẫu thiết kế tu viện này. Điểm nhấn của tu viện chính là ngọn tháp như mũi tên đâm thẳng lên trời thể hiện sự vươn cao.

4. Dinh Thống Đốc – Tiền thân của Dinh Norodom

Từ lúc mới xây, tòa dinh thự này đã nằm ngay vị trí mặt tiền của đại lộ Norodom (sau này được đổi tên thành đường Lê Duẩn) và cũng được gọi là Dinh Norodom.

Tiền thân của Dinh Norodom chính là Dinh Thống đốc Nam Kỳ, được khởi công xây dựng vào năm 1868. Trước đó nó chỉ là một dinh thự cũ đươc xây cất bằng gỗ vào năm 1863, sau này khi Pháp chiếm được Lục tỉnh Nam Kỳ năm 1867 mới bắt đầu xây dựng lại trên chính nền cũ đó.

Đây chính là bức ảnh xưa nhất của dinh Norodom được chụp vào năm 1875, cũng chính vào thời gian Dinh Toàn quyền vừa được xây dựng xong. Ảnh chụp bởi Emile Gsell
Bức ảnh này chụp dinh thống đốc Nam Kỳ, nó có thể được chụp vào năm 1873, ngay sau khi cung điện được hoàn thành.

Kiến trúc sư được chọn cho công trình này là Achille-Antoine Hermitte, các mái vòm, cột dọc, bệ trung tâm và cầu thang hoành tráng, tất cả đã tạo nên một tổng thể uy nghiêm cho dinh thự. Công trình chính thức hoàn thành và được khánh thành vào năm 1973, cái tên đầu tiên của dinh thự là dinh Norodom, từ tên với đại lộ chính diện – nơi nó được xây dựng.

Từ năm 1871 – 1887, dinh thự này được xây cất nên dành làm nơi làm việc của Thống đốc Nam Kỳ nên người ta vẫn gọi nó là Dinh Thống đốc Nam Kỳ. Nhưng từ năm 1887 – 1945 thì nó lại thuộc quyền của các Toàn quyền Đông Dương, vừa là nơi ở vừa là nơi làm việc nên bị đổi thành Dinh Toàn quyền, còn dinh Thống đốc lại bị chuyển sang dinh Gia Long gần đó. Cuối cùng nó bị phá hủy vào năm 1962, và địa điểm ngày nay là do Dinh Thống Nhất chiếm giữ.

Quang cảnh đại lộ Norodom (nay là Lê Duẩn), một trong những trục chính của Sài Gòn thuộc địa. Cung điện Chính phủ, là tòa nhà trong hình ở đây, đã đóng lại góc nhìn của nó.
ĐL Norodom nhìn về phía Dinh Toàn quyền. Những người trong ảnh đang đi trên ngã tư Hai Bả Trưng-Lê Duẩn ngày nay. Ảnh được chụp vào năm 1895 bởi Salles, André.
Cuộc viếng thăm Saigon của Hoàng đế An Nam và Vua Cam Bốt (Norodom). Trong ảnh là cảnh lễ đón vua Thành Thái tại dinh Toàn quyền Norodom, tranh khắc in trên báo Pháp “LE JOURNAL ILLUSTRE” số ra ngày 19-12-1897

5. Thương Cảng Sài Gòn

Cảng Sài Gòn được thành lập dưới thời kỳ Pháp thuộc ngày 22.2.1860 với tên gọi đầu tiên là Thương Cảng Sài Gòn. Nó nằm dọc theo con sông Sài Gòn cách biển khoảng 45 dặm (83 km) với tổng diện tích lớn lên đến 3.860.000 m2 với các khu vực chính:

  • Hàm Nghi: 4km dọc bên phải sông Sài Gòn và 3 cầu tàu cho những con tàu thuộc nội địa
  • Vị trí cũ của Nhà Rồng: dọc con sông Tàu Hủ với 3 cầu tàu cho tàu ngoại quốc
  • Khu vực Khánh Hội: dài 1,25 km với 11 cầu tàu cho những con tàu nước ngoài
  • Khu vực Chợ Cá: 3 cầu tàu cùng 2 bến
Quang cảnh con tàu Tilsitt (chụp từ bên hông)
Quang cảnh con tàu Tilsitt (chụp từ phía trước)

Phía trên chính là hình ảnh của con tàu Tilsitt đang neo đậu trên sông Sài Gòn. Con tàu này được biết đến là tổng hành dinh của căn cứ hải quân Sài Gòn từ những năm 1877 đến 1887.

Tàu Tilsitt chính là chiến hạm của quân Pháp, nó được trang bị bởi gần 90 khẩu đại bác với sức chứa lên đến 800 người. Con tàu này được Pháp đưa vào cuộc viễn chính Mexico của Pháp và nó cũng từng dấng thân tham gia vào cuộc chiến tranh Krym. Năm 1877, con tàu được quân Pháp di chuyển rời từ Brest lái sang Sài Gòn để căn cứ thay cho tàu Fleurus và được tận dụng mãi đến năm 1887. Tilsitt đã từng xuất hiện nhiều trong các thư viện ảnh của ASEMI và tất cả đều được chụp từ quang cảnh của Nam Kỳ.

Hình ảnh những chiếc tàu trên sông Sài Gòn
Hình ảnh Thương cảng Sài Gòn từ những năm 1880 – 1890

Hai bức ảnh trên đã tái hiện lại một phần quang cảnh sông Sài Gòn, nơi đây được tận dụng như một bến cảng, phục vụ cho các phương tiện giao thông đường thủy thời điểm bấy giờ. Tàu lớn và ghe nhỏ cùng hoạt động di chuyển trên sông và vị trí con tàu trung tâm trong ảnh có thể là con tàu của Đức bởi biểu tượng câu thánh giá sắt trên ống khói.

Quang cảnh một số tàu trên sông Sài Gòn, nơi đóng vai trò là bến cảng. Con tàu ở ngoài cùng bên phải hình là tàu Tilsitt, được nhìn thấy rõ nhất trong các bức ảnh khác trong album.
Toàn cảnh những tàu thuyền di chuyển trên sông Sài Gòn
Bức ảnh này cho thấy một phần cảng Sài Gòn trong những năm đầu người Pháp có mặt tại thành phố (chụp năm 1859).
Hình ảnh cảng đối diện là bến nhà Rồng – Ảnh chụp Saigon 1866 bởi Emile Gsell. Bức ảnh trên sau đó đã được khắc vẽ lại trong sách “La France illustrée” xuất bản vào năm 1884 của tác giả V.A. Malte – Brun(2) và trong bài của bác sĩ Albert Morice “Tour du Monde” phát hành năm 1875.

Ụ tàu được vận chuyển nổi trên sông Sài Gòn
Hình ảnh một con tàu nổi tiếng của Pháp đang neo đậu trên cảng sông Sài Gòn – Ảnh chụp năm 1893
Cận cảnh cột cờ Thủ Ngữ chụp vào năm 1893
Sài Gòn 1866 – Chụp bởi John Thomson (BIG PHOTO)

Phía trên chính là hình ảnh dãy nhà trên Bến Bạch Đằng ngày nay còn bên trái chính là bờ sông của sông Sài Gòn. Trên thực tế vào những năm 1866, toàn thành phố chưa hề được lắp đèn đường hoặc điện nên mỗi tối sẽ được thắp sáng bằng đèn dầu hỏa. Có lẽ ở hiện tại, các thế hệ mới chưa tưởng tượng được sự tăm tối đó là như thế nào… Con đường phía chính diện dãy nhà vẫn chưa được xác định chính xác là đường nào, nhưng có thể đó là đường Nguyễn Huệ của ngày nay với hàng cây xanh mới trồng xanh tươi.

Cảng Sài Gòn và nhà của ông Vương Thái, cột cờ Thủ Ngữ được xây dựng cạnh tòa nhà, và bên trái là rạch Bến Nghé ngày nay (hình do Gsell chụp năm 1866)

Ảnh Thương cảng Sài Gòn được chụp bởi John Thomson vào năm 1867.

Ảnh này cho ta thấy được chi tiết hơn về một Sài Gòn năm 1867, gần bìa phải của ảnh ta có thể nhìn thấy được tòa tháp nhà thờ dòng nữ tu Thánh Paul thành Chartres do Nguyễn Trường Tộ thiết kế và đứng ra chủ trì việc trông coi xây cất. Còn về ngọn tháp màu trắng trắng nằm ở gần bờ sông, phía bên phải của tấm ảnh chính là đầu đường Catinat (sau đổi tên thành đường Tự Do và Đồng Khởi của ngày nay), phía trước chính là khách sạn Majestic ngay góc Bến Bạch Đằng sau này – Ngọn tháp đó chính là đài tưởng niệm một vị thám hiểm người Pháp Doudart de Lagrée. Sau này, khi chỗ đó được chọn làm đường sông thì ngọn tháp cũng được dời đến Công trường Mê Linh, ngay khúc đầu đường Phan Văn Đạt ngày nay.

Sài Gòn năm 1870s của Emile Gsell
Hình chụp khi chưa có Maison Wang-tai (tòa nhà sau này là trụ sở Quan Thuế) bởi Emile Gsell
Không ảnh con sông Sài Gòn vào năm 1870

6. Kênh Kinh Lớn – Dòng kênh thành quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ

Kênh Kinh Lớn là khởi thủy của tuyến kênh đào nối liền Bát Quái với sông Sài Gòn, nhưng sau đó lại được lấp lại để hình thành nên quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ như ngày nay.

Không rõ năm chụp, nhưng là trước năm 1880 (là khi nhà thờ Đức Bà đã xây xong) – hình này chưa có cây trồng trên đường dọc kênh. Năm 1862, Đô đốc Bonnard tiến hành bán đấu giá đầu tiên bán đấu giá đất. Sáng kiến ​​này, được thúc đẩy bởi sự cần thiết để nuôi các kho bạc của thành phố, đã dẫn đến một bất động sản đầu cơ điên cuồng. Từ năm 1890 Không giống như Hà Nội, sự phát triển của thành phố thoát khỏi quyền lực dần dần chính trị.

Photo by Emile Gsell. (Nhà thờ Đức Bà khởi công 1877, xây dựng xong năm 1880). Đã có nhiều cây trồng trên lề đường dọc kênh, nhưng trồng quá dày đặc, sau này đã phải bỏ bớt đi. Đây là một trong những bức ảnh rất hiếm của Thành phố Saigon trong những năm đầu tiên sau ngày thành lập.
Ảanh chụp bởi Gsell vào năm 1866 – 1879. Thời điểm này hàng cây bên hai bên đường đã cao lớn hơn nhiều.

Con kênh này làm nhiệm vụ dẫn nước từ sông Sài Gòn vào thành Gia Định do vua Nguyễn Ánh ra lên đào vào năm 1790. Cái tên Kinh Lớn là do chính quyền VNCH đặt vào thời điểm đó, nhưng người dân sinh sống vẫn hay gọi là khu vực Chợ Vải bởi đơn giản là dọc mé kênh có rất nhiều người Hoa buôn bán vải vóc và gấm lụa. Còn đối với người Pháp thời đó, họ gọi là Grand.

Hình ảnh các nhà lồng chợ dọc kênh đào Charner, được xây dựng năm 1860 cạnh đường Charner (Đại lộ Nguyễn Huệ ngày nay), ngay tại vị trí tòa nhà Ngân khố Quốc Gia sau này (tức Kho Bạc Nhà Nước hiện nay), và đay cũng là khu chợ đầu tiên được xây dựng tại Sài Gòn. Hàng hóa đến chợ bằng con Kinh Lớn (Grand Canal) nằm ngay giữa quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ ngày nay. Con đường bên phải khu chợ là đường Ngô Đức Kế và bên trái khu chợ là đường Hải Triều ngày nay.
Đây là dãy nhà nằm trên con đường Charner dọc kênh đào Charner. Hai con đường song song hai bên Kinh lớn: một chạy xuống phía bờ sông Sài Gòn, qua phía trước Chợ Cũ là Rue Rigault de Genouilly, đường từ phía sông chạy lên là Rue Charner.
Hình ảnh của khúc cuối kênh đào Charner đổ ra sống Sài Gòn

Toàn cảnh công trường xây dựng chủa phố Charner năm 1866
Toàn cảnh đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ ngày nay) từ phía sông Sài Gòn

Năm 1861, khi Sài Gòn bị thực dân Pháp chiếm đóng thì đô đốc Charner đã ban hành nên nhiều quy định về giới hạn địa phận trong thành phố Sài Gòn, cũng từ đó mà Grand được đổi tên thành kênh đào Charner. Dọc hai bên bờ kênh là hai tuyến đường song song có tên là Rigault de Genouilly và đường Charner (hiện nay thuộc phía của khách sạn Palace). Hai bên đường, người Hoa tụ tập buôn bán rất động đúc nên lâu dần hình thành ô nhiễm nặng cho kênh đào Charner. Năm 1887, đế quốc Pháp mới cho cho lấp hẳn kênh đào và sát nhập cả hai con đường lại thành đại lộ Charner – với một đầu là Dinh Đốc Lý (tức là trụ sở UBND thành phố của ngày nay) và đầu kia đổ ra sông Sài Gòn. Nhiều người Sài Gòn xưa không chấp nhận gọi theo tên Pháp đặt nên gọi tắt nó là đường Kinh Lấp.

Các công nhân đang tiến hành lấp kênh đào Charner làm đường (trở thành quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ như ngày nay)
Saigon 1866 – Hình ảnh đại lộ Charner đã được hoàn thành, ảnh chụp bởi Gsell

Qua nhiều biến cố trong lịch sử thì đến năm 1956, đại lộ Charner cũng được đổi tên thành đại lộ Nguyễn Huệ hay quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ như ngày nay.

7. Đồng Mồ Mả – Mồ chôn tập thể lớn nhất Sài Thành

Rất ít người biết khu vực ngã sáu Dân Chủ – nơi vòng xoay Ba Tháng Hai, Cách Mạng Tháng Tám trước đây chính là nghĩa địa lớn nhất Sài Thành, người ta còn gọi nó là “đồng mồ mả”. Đây chính mồ chôn tập thể của quân Ngụy với gần 2.000 người bị xử tử vì tội phản nghịch dưới triều vua Minh Mạng (1833 – 1835).

Bản đồ do người Pháp vẽ vào năm 1878, nhìn vào bản đồ ta thấy Sài Gòn thời điểm đó tập trung chủ yếu ở hai đường Impériale (chính là đường Hai Bà Trưng ngày nay) đổ về phía Rạch Thị Nghè và thứ hai là từ đường Chasseloup Laubat (nay được đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai) và hướng về sống Sài Gòn và rạch Bến Nghé. Hai đường này trở thành ranh giới ngăn cách tạo nên một khu vực khá rộng lớn nhưng lại không có người lui tới, chỉ có những nấm mồ tập thể nên người Sài Gòn xưa gọi nó là “Đồng Mồ Mả” hay còn gọi là Đồng Tập Trận, Mả Biền Tru, Mả Ngụy.

Một góc cánh đồng mả Sài Gòn, khu vực này nay nằm ở Quận 10
Saigon 1867 – Đồng mồ mả – Được chụp bởi John Thomson

Sau biến cố Lê Văn Khối với gần 2.000 người thiệt mạng vì bị xử tử thì khu vực quận 10 này đã trở nên kinh hãi suốt một thời gian dài cho người dân thành Gia Định, bởi tất cả đều được chôn cất ở đây. Khu vực Đồng Tập Trận này thường được nhắc đến như một vùng đất của những oan hồn và chẳng ai dám béng mảng tới.

8. Lăng Cha Cả

Lăng Cha Cả là ngôi mộ của vị giám mục Bá Đa Lộc (ngày xưa người ta gọi theo tục là “Cha Cả”). Vị giám mục này mất vào năm 1799, trước đó do được vua Gia Long trọng vọng và được xem là “Giám mục Thượng sư” nên khi mất ông được đưa về an táng tại ngôi nhà cũ Gia Định (tức khu vực Vườn Xoài, Tân Sơn Nhất – thuộc khu vực phía tây bắc Sài Gòn).

Mộ Lăng Cha Cả – Ảnh chụp bởi John Thomson năm 1867
Sài Gòn 1866 – Mặt trước
Sài Gòn 1866 – Mặt sau

Ngôi mộ xưa này được xem là một di tích lịch sử của Sài Gòn, nay thuộc địa phận của phường 4, quận Tân Bình. Tuy nhiên đến năm 1980, ngôi mộ đã bị giải tỏa trong thời kỳ Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đến khoảng ba năm sau (tức 1983) Nhà nước đã thực hiện xong việc san bằng và cái táng thành công. Di hài của vị Giám mục Bá Đa Lộc được giao lại cho Tổng lãnh sự Pháp mang về nước. Vị trí của Lăng Cha Cả ngày xưa nay chính là vòng xoay (bung binh) trên đường Hoàng Văn Thụ, người ta vẫn quen gọi là bùng binh Lăng Cha Cả.

Sài Gòn 1867 – Hai bên đường, hướng đến Lăng Cha Cả với hai hàng cây xoài dọc bên đường
Sài Gòn 1867 – Lăng Cha Cả. Hình ảnh cây xoài già bên trong hình chắc cũng phải vài chục tuổi đời.
SAIGON – LE TOMBEAU DE L’EVEQUE D’ADRAN. gần cổng căn cứ Không quân TSN, nơi ngày nay là vòng xoay Lăng Cha cả, Q. Tân Bình
Đây là hình ảnh mặt tiền Lăng Bá Đa Lộc. Nay là vòng xoay có trái địa cầu – ngã ba Cộng Hòa – Hoàng văn Thụ, quận Tân Bình TP.HCM. Ảnh chụp năm 1866 bởi Émile Gsell

9. Chợ Lớn – Sài Gòn

Bản đồ khu vực Chợ Lớn được vẽ vào năm 1893. Đường màu đỏ trên bản đồ biểu thị cho tuyến đường xe lửa từ Sài Gòn – Mỹ Tho. Chấm nhỏ được tô màu cam chính là khu chợ chính Chợ Lớn, còn chấm nhỏ màu đỏ biểu thị hệ thống cầu đường trước chợ. Ngoài ra, vị trí số 9 trong bản đồ chính là của ông Tổng đốc Đỗ Hữu Phương.

Trước năm 1698, khu vực Đề Ngạn có làng của người Minh Hương (người Hoa – rời bỏ Trung Quốc sang miền Nam Việt Nam định cư, do không phục tùng nhà Thanh). Khu vực này càng trở nên đông đúc khi dân cư người Hoa ở Cù Lao Phố (Biên Hòa – Đồng Nai) di cư tránh nạn do bị nhà Tây Sơn tàn phá năm 1776.

Người Hoa lập chợ tại vùng đất này (khu vực Bưu điện Chợ Lớn của ngày nay), do khu chợ này có phần lớn hơn so với chợ Tân Kiểng của người Việt nên người dân ở đây gọi là Chợ Lớn và cũng trở thành tên của khu đất ấy. Theo học giả Vương Hồng Sển, người Việt gọi là Chợ Lớn, nhưng người Hoa thì lại gọi là Đề Ngạn, còn Pháp thì gọi là Cholon (Cho Leun).

Toàn cảnh đoạn kênh Tàu Hủ chảy qua khu vực phía sau Chợ Cũ của Chợ Lớn năm 1866 bởi Emile Gsell
Ảnh chụp bởi Emile Gsell – Vị trí cây cầu này nay ở trên Đại Lộ Đông Tây (Nay còn được gọi là đường Võ Văn Kiệt).
Ảnh chụp bởi Emile Gsell
Ảnh chụp bởi Emile Gsell
Ảnh chụp bởi Emile Gsell
Ảnh chụp bởi Emile Gsell

Tháng 6 năm 1865, Chợ Lớn được thành lập và nó chính là một thành phố riêng gần với Sài Gòn, thuộc tỉnh Gia Định theo nghị định của Thống đốc Nam Kỳ. Đến tháng 10 năm 1879, Thống đốc Nam Kỳ lại ra nghị định công nhận Chợ Lớn là một thành phố thuộc đô thị loại 2, ngang cấp tỉnh.

Buổi khai trương tuyến đường sắt đô thị (tramway) Sài Gòn – Chợ Lớn vào ngày 27 – 12 – 1881. Trong hình, thống đốc Le Myre de Vilers đang đứng trên chiếc đầu máy hơi nước mang tên ông.
Cảnh một thành phố nhỏ của Minh Hương (người Hoa – Chợ Lớn). Hình do nhà nhiếp ảnh Pháp Emile Gsell chụp năm 1866
Chợ Lớn năm 1888 – Cầu bình Tây qua kênh Tàu Hủ, thẳng phía trước cầu chính là chợ Bình Tây (góc chụp là Bình Tây – Bến Lê Quang Liêm)

Đến năm 1930, hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn giáp nhau tại đường Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Thiện Thuật. Và một năm sau đó, Tổng thống Pháp ban hành sắc lệnh hợp nhất hai thành phố này thành khu Sài Gòn – Chợ Lớn như ngày nay. Năm 1951 thì khu vực này lại tiếp tục bị đổi tên thành Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn, thêm được 5 năm thì lại đổi thành Đô thành Sài Gòn. Và cũng từ đó, khu vực Chợ Lớn chỉ còn là một địa phận thuộc quận 5, quận 6 và quận 11 của thành phố Sài Gòn.

Ảnh chụp của nhiếp ảnh gia Gsell vào năm 1870 – Không ảnh khu vực Chợ Lớn và rạch Bến Nghé

Trong nửa cuối thập kỷ XIX (1859 – 1900), khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn đã chứng kiến nhiều sự thay đổi về diện mạo khi người Pháp bắt đầu cho những cuộc xây dựng các công trình kiến trúc từ thương mại, tôn giáo cho đến hành chính và cơ sở hạ tầng để đặt ra một nền móng cai trị hoàn toàn thuộc về họ.

Hình ảnh khu chợ trung tâm cũ, thời điểm này Chợ Lớn chỉ mới vừa được xây dựng xong (vị trí hiện tại của Bưu điện quận 5)
Chợ Lớn năm 1866 bởi nhiếp ảnh gia người Pháp Emile Gsell – Tuệ Thành Hội quán hay còn gọi là Miếu Bà Thiên Hậu

Hội quán Tuệ Thành hay còn gọi là Miếu Bà Thiên Hậu nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 – Một ngôi chùa được xây dựng bởi một nhóm người Hoa gốc Tuệ Thành (Quảng Châu), xây dựng vào năm 1760 và đã qua nhiều lần trùng tu. Tính đến thời điểm hiện tại thì ngôi chùa ấy vẫn nằm ngay vị trí trung tâm của nhóm người Hoa đầu tiên đến tạo lập nên Chợ Lớn.

Bưu điện đầu tiên của thành phố Chợ Lớn tại góc đường Hồng Bàng và Tổng Đốc Phương (con đường Châu Văn Liêm ngày nay) được chụp vào năm 1895

Đến khoảng năm 1930 thì bưu điện được dời về vị trí cảu Chợ Cũ và cũng chính là Bưu Điện Chợ Lớn quận 5 ngày nay. Tuy nhiên, công trình này đã bị dẹp bỏ và được thay thế bằng tòa nhà của một ngân hàng SAIGONBANK của hiện tại.

Tòa Hành chánh Chợ Lớn. Đây là Dinh Xã Tây của thành phố Chợ Lớn, mà dấu vết ngày nay không còn để lại gì. Chỉ còn một bằng chứng về địa điểm này, đó là cái chợ nhỏ tên là Chợ Xã Tây ở cuối con đường Phù Đổng Thiên Vương, nơi giao nhau với đường Nguyễn Trãi
Ảnh chính diện của Toà Hành Chánh Thành phố Chợ Lớn, tại vị trí trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn sau này
Hình ảnh của Tòa Hành Chánh và Tòa Tham biện Chợ Lớn
Một nhóm người đứng trước một Tòa Tham biện có treo cờ Pháp ở Chợ Lớn. Trong số đó, có khoảng mười lính tập Đông Dương, có thể nhận ra bằng những chiếc mũ tròn bằng tre, chiếc mũ salacco. Ảnh chụp của Émile Gsell vào năm 1879

Tòa Hành chánh Chợ Lớn nằm trên khu đất của trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh của sau này, mặt chính của tòa nhà nhìn thẳng ra hướng đường Jaccaréo (Tản Đà ngày nay). Người dân địa phương vẫn hay gọi nó là Dinh xã Tây bởi quan trưởng xã là một người Pháp. Sau này tòa nhà thì phá bỏ, gần khu đất này người ta dựng nên chợ Xã Tây vẫn còn đến hiện tại (năm 1925).

Rạp hát người Hoa nằm trên đường Phùng Hưng và được xây dựng trong thời kỳ còn là thuộc địa của Pháp

Đay là một công trình của những người Hoa, nó có công năng của một nhà hát, được xây dựng trên đường Rue de Paris (nay đổi thành đường Phùng Hưng thuộc quận 5, Sài Gòn). Nhưng bắt đầu từ những năm 1970, nhà hát này bị trưng dụng và thay đổi công năng thành Kho Bạc, còn ngày nay thì nó là vị trí của Chi cục thuế Quận 5.

Ngoài ra, còn một số hình ảnh liên quan khác của Sài Gòn vào những năm cuối thế kỷ XIX:

Nhà đại lý chính của hàng tàu biển Messageries Impériales đặt trụ sở tại Sài Gòn từ năm 1864 đến đàu năm 1865
Sài Gon 1866 – Trại lính của binh đoàn trung đoàn 11BB, nay chính là vị trí của trường Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân Văn
Sài Gòn 1866 bởi Émile Gsell – Chùa Khải Tường (góc của đường Võ Văn Tần và đường Lê Quý Đôn, quận 3 ngày nay)

Chùa Khải Tường là một ngôi chùa cổ của Việt Nam, nó nằm trên một cái gò cao thuộc ấp Tân Lộc, tỉnh Gia Định ngày xưa. Ngày nay ngôi tự cổ này thuộc khu vực Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh của Võ Văn Tần, quận 3. Đây được xếp vào ngôi già lam cổ nhất nhì thuở ấy, nhưng lại bị phá hủy dưới thời Pháp thuộc.

Sài Gòn 1866 bởi Émile Gsell – Đồn Cây Mai nằm gần với khu vực Chợ Lớn

Trong ảnh là hàng dài binh lính xếp hàng tại Camp des Mares (Thành Ô Mã). Đây là thời điểm người Pháp đang tổ chức buổi tuyển mộ quân sự tại chỗ. Nơi này chỉ là thuộc khuôn viên của chùa Hiển Trung Tự  do chính hoàng đế tương lai Gia Long cho xây cất nên vào năm 1795 với mong muốn tưởng nhớ những quan lại và tướng lĩnh dưới quyền của ông (trong đó bao gồm cả các thủy thủ Pháp). Lúc ban đầu thì nó là một ngôi đền nhỏ nhưng sau đó lại bị biến thành trang trại chăn nuôi gia súc (thời kỳ bị thực dân Pháp chiếm đóng). Nơi này, một phần bị Pháp biến thành nơi ăn ở cho lính bộ binh Nam Kỳ. Nơi này Pháp còn đặt tên thành Pagoda des Mares vì ​​sự hiện diện của hai vùng nước nhỏ gần đó là nơi sinh sản của loài caimans.

Sài Gòn 1866 bởi Émile Gsell – Một ngôi chùa Tàu trong thành phố Chợ Lớn – Chùa Bảy Hội được người Hoa xây dựng vào năm 1822
Sài Gòn 1866 bởi Émile Gsell – Một trong những lễ nghi tôn giáo được tổ chức bởi những người Hoa trong ngôi chùa ở Chợ Lớn
Sài Gòn 1866 bởi Émile Gsell – Hình ảnh của một đám cưới được tổ chức tại Nam Kỳ vào những năm 1866

Viết một bình luận