Câu chuyện ít ai biết về nhà hát An Nam đầu tiên ở Sài Thành ngay vị trí chùa Bà Thiên Hậu

Ngày xưa, vị trí của chùa Bà Thiên Hậu trên Bến Chương Dương, gần cầu Ông Lãnh (chính xác là số 710 đường Nguyễn Trãi, Quận 5 ngày nay) có một nhà hát An Nam đầu tiên của Sài Gòn được xây dựng – Đó cũng là nhà hát đầu tiên của người Việt. Tuy nhiên, sau hàng 100 năm, tại đây đã không còn là nhà hát mà thay vào đó là ngôi chùa người Hoa – nơi thờ tự cổ trên đất Đề Ngạn – gần ngã ba bến Chương Dương và đường Yersin (gần giữa hai dãy nhà lồng chợ cầu Ông Lãnh). Và khu vực cận đó cũng được trùng tu và xây dựng thành trung tâm thương mại của Sài Gòn. Ở thời điểm đó, phần đông người biểu diễn cùng với khán giả đến xem chủ yếu là người An Nam và người Hoa ở Chợ Lớn cùng những vở diễn là tuồng hồ quảng và hát bội. 

Nhà hát Annam tại vị trí Chùa Bà Thiên Hậu trên Bến Chương Dương, gần cầu Ông Lãnh

Ở từ cuối thế kỷ XIX cho đến đầu những năm của thế kỷ XX, văn nghệ nhà hát đã có những chuyển biến và bước phát triển, từ hát bội rồi đến nhạc tài tử sau cùng là ca cổ cải lương. Nhiều tư liệu bằng tiếng Pháp được đính kèm với những hình ảnh góp nhặt ở nhiều nơi, chưa được khai thác đúng mức và đúng cách nên dẫn đến nhiều người vẫn còn chưa biết rằng: Nghệ thuật hát bội đã gây nên sự tò mò cùng thích thú đối với quần chúng và giới nghệ thuật khi được trình diễn lần đầu tiên tại Pháp năm 1889. Ngay cả những sáng tác sau này của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp Achille-Claude Debussy cũng chịu ảnh hưởng không ít từ nhạc Gamelan với nhạc hát bội của Việt Nam khi xem phần trình diễn tuồng cổ.

Rạp hát đầu tiên của người An Nam tai Sài Gòn
Mặt tiền và lối vào nhà hát Annam từ phía đường Ký Con

Các tài liệu về sự ra đời của nhạc tài tử ở Việt Nam cũng đều ghi nhận rằng, ban nhạc tài tử đầu tiên của nước ta chính là do ông Nguyễn Tống Triều (người xứ Cái Thia) thành lập ở Mỹ Tho (Tiền Giang) vào khoảng những năm 1910. Sau đó, được dịp qua Pháp trình diễn tại hội chợ quốc tế trong cùng năm (nhiều tài liệu lịch sử lại nói rằng năm 1911), nhưng hầu hết các tư liệu lại không quá chi tiết hay có thêm bất kỳ tài liệu tham khảo nào để làm rõ. Lại có thông tin nói rằng: Năm 1906, khi Pháp tổ chức hội chợ các nước thuộc địa ở thành phố Marseille – ngoài việc đem các loại đặc sản nông nghiệp hoặc mỹ thuật tham gia triển lãm, chính quyền của hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho còn cử thêm hai ban nhạc tài tử sang Pháp trình diễn, trong đó có ban nhạc của Tư Triều (tên tục của Nguyễn Tống Triều), nổi bật có cô Ba Đắc và cô Hai Nhiễu (con gái ông Tư Triều – tương truyền cô có tật nói lắp, tuy nhiên lại có thể vừa đờn tranh vừa ca, nên khi cô cất giọng hát, chẳng ai nghĩ cô có dị tật). 

Các quan chức An Nam và diễn viên tuồng đem từ Việt Nam qua
Ban nhạc tài tử của ông Tư Triều cùng với những quan chức Việt Nam trong Hội chợ Triển lãm thuộc địa Marseille ở Pháp năm 1906

Mọi thứ chỉ nằm trong tầm “suy đoán”, bởi khi tìm hiểu về ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều sang Pháp biểu diễn tại hội chợ vào năm nào, Thời Xưa lại vô tình tìm hiểu thêm về một người trưởng đoàn. Ông là một người Việt Nam (người Pháp gọi ông là “M. Viang”) – có trách nhiệm với ban nhạc tài tử, đưa họ sang Pháp để trình diễn. Ngoài việc đưa ban nhạc của ông Nguyễn Tống Triều sang hội chợ triển Thuộc địa Marseille năm 1906, trước đó, ông còn dẫn dắt một nhóm ban nhạc khác sang Paris tham dự Hội chợ Triển lãm Thế giới năm 1900 (Exposition universelle de Paris) – Đây cũng là năm khởi đầu thời đại nghệ thuật Belle Époque ở châu Âu. Ban nhạc tài tử này, cũng được dự đoán là ban nhạc của ông Nguyễn Tống Triều. Thêm một bước khẳng định sự phát triển của nghệ thuật hát bội của Việt Nam là sự kiện tại nhà hát Đông Dương – “Théâtre Indochinois” ở Hội chợ năm 1900, khi người đẹp nổi tiếng của Châu Âu – Cléo de Mérode đã mặc trang phục Cam Bốt và múa theo những giai điệu của ban nhạc tài tử Việt Nam.

Hai diễn viên ngôi sao của nhà hát An Nam
Hội chợ triển lãm Thuộc địa Marseille 1906 – Ban nhạc của Nhà nghỉ Thượng khách xứ Nam Kỳ.

Có sự khẳng định này là do chính báo chí Pháp đã đưa tin, đề cập rất nhiều về điệu múa Cam Bốt do Cléo de Mérode trình diễn – Một vũ điệu làm lay động lòng người trong tiếng hát và tiếng đờn ca của những tài tử người Việt. Cléo de Mérode được xem là “mỹ nhân” của những người họa sĩ nổi tiếng xưa như Toulouse de Lautrec, Georges Jules Victor Clairin, Giovanni Boldini,…khi họ liên tục họa nên những bức chân dung hay thậm chí là tạc tượng nàng. Cũng chính trong dịp này mà nhà âm nhạc học kiêm nhà soạn nhạc người Pháp Julien Tiersot đã quan sát, tiếp cận cùng với phỏng vấn ông trưởng đoàn ban nhạc tài tử, thậm chí là ghi nhận lại các loại dụng cụ cùng âm nhạc tài tử. Và cũng từ đó, Julien Tiersot đã viết về nhạc tài tử Việt Nam ở nhiều trang tạp chí âm nhạc để giới thiệu chúng đến với giới học thuật cùng công chúng Pháp. Chưa dừng ở đó, đờn ca tài tử của Việt Nam ta còn được ghi nhận lại, mô tả chi tiết trong những tạp chí văn nghệ “Le Ménestrel” cho bộ ba nhà văn Maurice Talmeyr, Arthur Pougin, B. Marcel soạn nên. Các báo chí Pháp thời đó vẫn liên tục đưa tin về vũ điệu Cam Bốt của người đẹp Cléo de Mérode trên nền nhạc tài tử Việt Nam.

Diễn viên tuồng hát người Annam
Những diễn viên trong tuồng Thanh Xà – Bạch Xà

Có được kinh nghiệm xuất ngoại biểu diễn, khi về nước, ban nhạc tài tử của ông Tư Triều đã có nhiều tự tin hơn khi xuất hiện lần đầu ở khách sạn Minh Tân, cũng từ đây mà khởi nguồn cho sự ra đời của loại hình “ca ra bộ” ở miền Nam. Sau khi được khán giả yêu thích cùng đón nhận nồng nhiệt loại hình nghệ thuật mới, ban nhạc tài tử của ông Tư Triều còn được mời biểu diễn vào mỗi tối thứ tư và thứ bảy hàng tuần ở rạp chiếu bóng Casino Mỹ Tho.

Làng An Nam được bố trí trong Hội chợ Triễn lãm Marseille

Trong những giai đoạn đầu, nền âm nhạc đờn ca tài tử của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, về sau này thì chịu ảnh hưởng và hình thành nên loại hình cải lương. Ngày nay, đờn ca tài tử đã trở thành một dòng nhạc dân tộc Việt Nam được được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể.

Quy tụ những diễn viên trong nhà hát An Nam

Viết một bình luận