Quay ngược thời gian ngẫm lại những hồi ức cũ cùng người Sài Gòn xưa xem “xilama”

Ngày xưa, người Sài Gòn rất giản dị, không cầu kỳ kiểu cách, ăn uống và vui chơi cũng khá bình dân. Về sau, người Pháp du nhập vào Sài Gòn một bộ môn giải trí là xi nê, người dân ở Sài Gòn xưa còn gọi là đi xem “xilama” hoặc xem “hát hình máy”. Vào tháng 10 năm 1898, là lần đầu tiên phim chớp bóng được chiếu trên phông nền bằng vải trắng ở ngoài trời. Cứ đến mỗi dịp có phim hay là mọi người rất hào hứng chờ đợi, vì ở thời đó được đi xem phim là một chuyện gì đó rất tuyệt vời.

Quảng cáo chiếu phim sẽ được ghi như sau: “Hάt hὶnh mάy tᾳi Châu Thành Chợ Lớn (phίa trước nhà quan Tổng đốc Chợ Lớn). Tối bữa nay và mỗi tối đύng 9 giờ, ông D’Arc cό hάt hὶnh mάy hay quά sức. Bọn này là bọn hάt hὶnh cά thể và giὀi hσn hết thἀy trên thế gian. Hάt nhiều thứ tuồng. Như nhiều tίch kể sau đây: Tuồng những kе́p hάt tài nghệ trong trào/Những thằng hề quά sức/Những hὶnh mύa tay mύa chân hay lắm/Ông Barbe bleue (Râu xanh)/Nhiều lớp tuồng đẹp đẽ, đổi màu, khάc xa nhau/Tuồng một người vượt biển chiêm bao/Đồ chưng tuồng lộng lᾳc – Bận y phục quу́ trọng quά chừng. Buồng (4 chỗ ngồi)… 5 đồng 00. Ghế bực nhất… 1 đồng 00. Ghế bực nhὶ… 0 đồng 50. Ghế bực ba… 0 đồng 30. Lίnh bộ, lίnh thὐy và con nίt chưa tới 12 tuổi đi coi ngồi ghế bực nhất, bực nhὶ thὶ trἀ nửa tiền mà thôi. Tάm giờ tối mở cửa. Chίn giờ khởi sự hάt…”. Đây là những dòng quảng cáo với chữ nghĩa được ghi rất lâu về trước, nên khi đọc nhiều người sẽ có cảm giác “lổn nhổn” như đang ngồi trên xe ngựa.

Nhiều lần người Pháp đặt chân đến Sài Gòn đã cho mở ra vài địa điểm chiếu bóng để phục vụ cho những Pháp kiều và người Việt có điều kiện đến xem. Lúc đầu, rạp Modern Cinéma nổi danh ở đường d’Espagne số 212 quận Nhất, tức là Lê Thánh Tôn ngày nay. Rạp được xây dựng vào năm 1922, ngoài dùng để chiếu xi nê, nơi đây còn được sử dụng để biểu diễn các tuồng cải lương nổi tiếng. Thời gian sau, khoảng năm 1925, có xuất hiện thêm rạp Eden Cinéma nằm trên đường Tổng Đốc Phương, ngày nay là đường Châu Văn Liêm. Rạp này cũng thường xuyên được dùng để diễn các tuồng cải lương thay cho những ngày không có suất chiếu phim. Thời đó, trước những năm 1954, ở Sài Gòn có một rạp xi nê dành cho giới thượng lưu là rạp Ciné Majestic tọa lạc ở đầu đường Catinat, nằm ngay bên cạnh Hotel Majestic và có cùng một chủ Tây. Rạp này được trang trí theo phong cách đúng chuẩn như một rạp xi nê bên Pháp: Phía bên trong rạp được chia ra làm ba hạng ghế. Hạng nhất nằm gần ở cửa ra vào, được phân theo từng lô, cứ hai ghế kề sát nhau là một lô. Ghế được bọc nệm nhung có nỉ màu tím hoặc màu đỏ bầm trông rất sang. Cách mỗi lô lại có một vách ngăn xây cao hơn thước chắn ngang với mục đích để người ngồi ở lô bên cạnh không thể nhìn thấy được. Hình thức chia lô như vậy là dành cho các cặp tình nhân hay vợ chồng có thể dễ dàng trò chuyện, tâm sự với nhau mà không bị ai nhìn thấy. Những lô này đều được đánh số ghế và cũng chỉ có chừng khoảng 8 lô, tức là 16 ghế. Ngoài ra, còn có các ghế đơn rộng rãi được bọc da hẳn hoi và có lò xo ngồi rất êm. Đối với loại ghế đơn này, người nào đến rạp trước thì sẽ có quyền được lựa chọn số lượng ghế để mua.

Khi xem xi nê là phải ngồi xa màn ảnh thì mới có thể xem rõ ràng và không bị chói mắt, vậy nên người ta thường chọn những hàng ghế xa màn ảnh để có thể xem phim một cách rõ ràng, thoải mái hơn. Vào thời đó, các rạp cũng bán vé trước theo điện thoại của khách hàng gọi đến để giữ chỗ. Khi khách tới rạp chỉ cần nói số ghế đã đặt trước đó và thanh toán tiền ở quầy bán vé là có thể vào xem. Nhân viên soát vé tại các rạp là mấy chú Chà Và đen mặc đồ tây màu trắng, quần soọc, trên đầu đội nón chóp đen có tua màu đỏ trên đỉnh. Những chú Chà Và này thường để râu cá chốt trông rất dữ dằn, mấy đứa con nít nhìn thấy đều xanh cả mặt và người lớn cũng thấy “ớn” nên không dám vào “xem cọp”.

Vào chủ nhật và thứ năm sẽ có suất chiếu buổi sáng bắt đầu từ lúc 9 giờ đến 11 giờ. Buổi chiều từ 3 giờ, suất chiếu tối là lúc 19 giờ 30 và suất cuối cùng là 21 giờ. Ngày ấy, các rạp chỉ có quạt trần hoặc quạt đứng chứ không có máy lạnh như bây giờ nên ban ngày rất nóng, ít có người đến xem. Phần lớn những người giàu, có điều kiện thường đưa gia đình đi xem vào suất cuối cùng để khi ra về thì còn có thể đưa gia đình hay bạn bè ghé vào Chợ Lớn ăn mì ở đường Lacaze, tức là đường Nguyễn Tri Phương. Rạp thượng lưu Majestic hay Eden, đối với những trẻ em dưới 12 tuổi phải có người lớn đi theo, khán giả tới rạp xem phim phải ăn mặc quần áo chỉnh tề. Khi vào xem phim không được đi dép và gác chân lên ghế hay nói chuyện lớn tiếng. Điều đặc biệt ở đây là ghế tựa lưng qua đầu nên người phía sau sẽ không thấy được đầu của người ngồi phía trước. Những đôi tình nhân hay vợ chồng có thể tha hồ “kề vai áp má” hoặc hôn nhau mà không sợ bị người khác nhìn thấy. Phía đường Pasteur còn có rạp Casino, nay là rạp Vinh Quang, đây là rạp xi nê lâu đời thuộc vào loại sang nhưng lại có giá vé rẻ hơn rất nhiều.

Thời xưa, vào những năm 1930 – 1940, có nhiều rạp được xây dựng như: Rex ở đường Hồ Văn Ngà, Thành Xương ở đường Ký Con, Kim Cương đường Trần Quang Khải,… Giá vé ở những rạp này thường được hạ thấp và ghế ngồi chủ yếu là bằng sắt hoặc gỗ, có rệp vì ẩm thấp. Những khán giả đến đây xem phim thường là những người buôn bán ở chợ, trẻ em bình dân nên khá lộn xộn. Ngoài ra, ở đây còn có cảnh những người bán quà bánh đi liên tục trong rạp làm cho khán giả không hài lòng lắm. Về sau vào những năm 1970, các rạp dạng này xuống cấp trầm trọng, phim cũ và không gian mất vệ sinh nên đã bị khai tử.

Viết một bình luận