Quyển album cũ tổng hợp hình ảnh về một Sài Gòn xưa của những năm 1895 – 1896…đẹp và duy nhất!

Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay được bạn bè thế giới biết đến với cái tên là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, nó không chỉ là một trung tâm phát triển mà còn là sự đa dạng của nhiều nền văn hóa, sự kết hợp hài hòa tạo nên nét đặc trưng của Sài Gòn. Đi dọc những con phố nhộn nhịp và ồn ào, đã bao giờ bạn ngẫm nghĩ lại: “Cũng thành phố phồn hoa đó, nhưng ở những năm cuối thế kỷ XIX, sẽ trong như thế nào?”. Sẽ không có những tòa nhà cao ngất ngưỡng, cũng không có những trung tâm thương mại với đầy ấp con người ra vào, không có nét hiện đại cùng những con người “theo thuở theo thì”….Khoảng 130 năm về trước, Sài Gòn mang theo mình phong cách cổ điển phương Tây dưới thời Pháp thuộc. Vẫn còn sự xuất hiện của những chiếc áo dài khăn đóng, vẫn có những chiếc xe ngựa chạy với tiếng lách cách vang xa,….

Hình ảnh một đại lộ của Sài Gòn

Hình ảnh một ngôi chợ cũ trên đại lộ Charner.

Năm 1887, kinh Chợ Vải (lý do là ở hai bên con kênh thường tập trung rất nhiều người Hoa đến buôn bán vải lụa gấm vóc, nên người dân quanh đây gọi với cái tên dân dã là Chợ Vải), đoạn kinh kéo dài từ sông Sài Gòn chạy lên khu vực đường Lê Lợi hiện nay. Dọc con kênh là hai đoạn đường song song: đường Charner bên trái và đường Rigault de Genouilly bên phải, sau này được một người Pháp cho lấp lại con kinhđể xây dựng thành đại lộ, lấy tên của ông Thống đốc để đặt tên cho đường, người Pháp gọi nó là Boulevard Charner (đại lộ Charner). Đại lộ Charner (nay là đường Nguyễn Huệ) trở thành đường rộng nhất Sài Gòn, nơi diễn ra các lễ hội lớn, có nhiều cửa hàng và trụ sở các công ty, các di tích văn hóa lịch sử không kém đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi).

Những người gánh hàng rong đang tụ tập để buôn bán cho khách qua đường trên đường Rue Catinat và kế đó là cột đèn đường hoạt động bằng dầu.

Đường Rue Cartinat là tên gọi của đường Đồng Khởi ngày xưa. Sài Gòn tồn tại đến nay cũng hơn 300 năm và đường Cartinat cũng đã đồng hành cùng đô thị gần 2/3 chặng đường lịch sử, chứng kiến vùng đất Gia Định xưa trải qua nhiều biến động để có được như ngày nay.

Thời Đông Dương thuộc Pháp, đường này có tên là Rue Cartinat, dưới thời Việt Nam Cộng hòa đổi thành đường Tự Do từ năm 1954 đến 1975. Sau năm 1975, chính quyền Việt Nam đổi tên đường Tự Do thành đường Đồng Khởi, cùng với đường Công Lý thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Ngày trước, xe ngựa kéo là phương tiện vận chuyển công cộng chủ yếu, len lỏi trên các đường phố Sài thành. Thời điểm đó chưa có những chiếc xe máy, xe đạp, xe kéo tới xe xích lô,….

Hình ảnh của những người bán hàng rong chính là không có mặt bằng buôn bán, không có đồng lương ổn định, cuộc sống vất vả và đầy khổ cực. Với gánh hàng nho nhỏ mang đi khắp nơi. Trong ảnh có một sạp được dựng tạm bợ, chủ yếu là bán nước và chút đồ ăn cho khách thập phương, ở thời điểm đó người ta cũng không quá đề cao về chất lượng vì dân mình còn nghèo.

Trong ảnh là tòa nhà Thương Mại được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, cách đây đã hơn 120 năm nhưng với lối  thiết kế này lại khiến người ta nhìn vào thấy vừa sang trọng lại xen chút hiện đại.

Bên trái là một góc đường nơi Sài Gòn – Gia Định năm 1895, hình bên trái là nhà nghỉ bên hồ trong vườn Bách Thảo Sài Gòn nay là Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn là công viên bảo tồn động vật – thực vật ở Sài Gòn. Đây là vườn thú lâu đời đứng hàng thứ tám trên thế giới.

Ảnh bên trái là một góc chụp chợ Cũ Sài Gòn nằm trên Đại lộ Charner – Ảnh bên phải là một đại lộ khác thuộc phạm vi của Sài Gòn.

Ngôi chợ xây dựng rất nhanh và hoạt động từ năm 1860 với năm gian cột gỗ, mái lá như ngôi chợ Vải một gian đầu đường trước đó. Chợ nằm trên đường Charner chứ không nằm bến sông như ngôi chợ cũ trước đó.

Bên trái là vườn hoa trước Nhà hát Thành phố, phía xa trong ảnh có một trụ tượng chính là Tượng Françis Garnier – Bên phải là đường bộ và đường sắt của tuyến đường sắt đi Saigon – Mỹ Tho. Đây là tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam cũng là tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương, được xây dựng vào năm 1881. Và đây cũng là tuyến đường sắt thứ hai được người Pháp xây dựng ở nước ngoài, sau tuyến đường sắt dài khoảng 13 km đầu tiên đặt tại Pondichéry là khu vực thương điếm của Pháp tại Ấn Độ, được xây vào tháng 12 năm 1879.

Những người An Nam luôn gắn liền với hình ảnh của gánh hàng rong.

Năm 1895, tòa nhà này được dùng làm Kho Bạc, ngay vị trí góc đường Đồng Khởi và đường Nguyễn Du. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, tòa nhà này giữ chức danh là bộ Xã Hội.

Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn (tên chính thức: Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội), thường được gọi tắt là Nhà thờ Đức Bà, là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Thành phố, một trong những công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn.

Sau khi chiếm được Sài Gòn, người Pháp đã cho xây dựng một nhà thờ để người Công giáo có nơi làm lễ, vốn vị trí ban đầu của nhà thờ nằm ở đường số 5 (nay là đường Ngô Đức Kế) – vị trí của một ngôi chùa cũ của người Việt bị bỏ hoang.

Năm 1863, khi con kinh Chợ Vải được lấp lại thành đại lộ Charner (nay là đường Nguyễn Huệ), Đô đốc Bonard đã quyết định khởi công xây dựng một nhà thờ lớn hơn bằng gỗ ở đây (tương ứng với vị trí tòa nhà Sun Wah ngày nay), với mong muốn mở rộng hơn cho giáo dân.

Tháng 8 năm 1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức một kỳ thi vẽ đồ án thiết kế nhà thờ mới và lựa chọn 3 địa điểm để xây cất:

  • Trên nền Trường Thi cũ (nay là góc đường Lê Duẩn và Hai Bà Trưng, tức vị trí tòa Lãnh sự Pháp).
  • Ở khu Kinh Lớn (tại vị trí nhà thờ cũ, nay thuộc đường Nguyễn Huệ).
  • Số 1 Công xã Paris, phường Bến Nghé, quận 1

Sau cùng, quyết định vị trí hiện tại và cũng là số 1 Công xã Paris.

Khách sạn Sài Gòn – Lối kiến trúc kết hợp giữa nét cổ điển và hiện đại, vừa mang phong cách Á lại điểm thêm nét Âu phá cách.

Tòa Hòa Giải được xây dựng dưới thời Pháp thuộc.

Một đại lộ thuộc phạm vi Sài Gòn với phương tiện lưu thông chủ yếu là xe ngựa, hay người ta còn gọi là xe “thổ mộ” phổ biến ở vùng Sài Gòn – Gia Định của Việt Nam vào những năm 50 của thế kỷ XIX. Hình ảnh chiếc xe ngựa với những tiếng kêu lách cách và cặp bánh gỗ to đã trở nên thân thương, quen thuộc với bao thế hệ người miền Nam.

Các tòa nhà và văn phòng của Công ty Vận tải tàu biển MM.

Tàu Triomphante trên sông Sài Gòn.

Các tòa nhà và cầu tàu của Hãng vận tải tàu biển Messageries Maritimes (viết tắt là MM).

Arsenal de la Marine à Saigon, sau này là Hải Quân Công Xưởng (Nhà máy Ba Son). Hiện tại đây là Tổng công ty Ba Son trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng – Bộ Quốc phòng Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập vào ngày 04 tháng 8 năm 1925 hoạt động đa lĩnh vực như đóng mới và sửa chữa tàu thủy, tái chế phế liệu kim loại, khai thác cát, kinh doanh bất động sản và máy móc, chế biến gỗ, kho bãi và vận tải hàng hóa.

Chuyến tàu đang trong quá trình chờ đợi để chuẩn bị khởi hành đi châu Âu.

Phòng Thương Mại tại Quảng trường Rigault de Genouilly (sau này là Công trường Mê Linh, nằm ở khoảng giữa hai con đường Hồ Huấn Nghiệp và Phan Văn Đạt). Cột đèn đường vẫn còn là đèn dầu hỏa.

Lúc tàu Salazie khởi hành đi Châu Âu.

Các tòa nhà và văn phòng của Công ty Vận tải tàu biển Messageries Maritimes tại Sài Gòn, nằm ở phía trước cầu tàu.

Tàu Salazie khởi hành đi châu Âu.

Một bức tượng được đặt trên đường Rigault de Genouilly, đường này nằm bên phải của Kinh Chợ Vải. Sau này được gộp chung với đường Charner, sau khi lắp Kinh Chợ Vải thành Đại lộ Charner.

Bản đồ vùng phụ cận Sài Gòn năm 1895.

*** Dưới đây chính là một số hình ảnh được trích từ những album hình tổng hợp về Sài Gòn xưa: 

Tòa nhà và văn phòng đại lý của Công ty vận tải đường biển Messageries Maritimes tại Sài Gòn, đối diện với cầu tàu.
Theo thứ tự từ trái sang phải và từ trên xuống dưới: (1) Bãi biển Vũng Tàu. (2) Pnom Penh – là thành phố lớn nhất và là thủ đô của Vương quốc Campuchia. (3) Maison Vandelet et Saraut, ở Pnom Penh, Campuchia. (4) Nơi ở của Giám đốc Poulo Condor – Tư dinh của GĐ nhà tù Côn Sơn.

Ở thời điểm những năm cuối thế kỷ 19, đây là nơi ở và làm việc của Tổng thanh tra Thuộc địa Louis Verrier.

Trước năm 1975, đây là trụ sở của Bộ Giáo Dục, tọa lạc tại số 70 đường Lê Thánh Tôn, Quận 1; cạnh công viên Chi Lăng. Ở hiện tại, nơi đây đã bị đập bỏ để xây dựng nên Trung tâm Thương mại VINCOM TOWER.

Một góc chụp khác của tòa dinh thự, nơi ở của Tổng thanh tra Thuộc địa.

Một góc của khuôn viên thuộc Vườn Bách Thảo – Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Trước đó, ngày 23 tháng 3 năm 1864, Chuẩn đô đốc Pierre-Paul de La Grandière chỉ muốn xây dựng một Vườn Bách Thảo để làm nơi nuôi thú và ươm cây, dưới sự hỗ trợ của Louis Adolphe Germain – một bác sĩ thú y của quân đội Pháp.

Ban đầu, nơi đây được xây dựng chỉ nhằm mục đích vừa để trưng bày những loại động và thực vật của Đông Dương, vừa để cung cấp cây giống cho Bảo tàng quốc gia lịch sử tự nhiên của Pháp (Muséum national d’histoire naturelle) và trồng dọc theo các trục lộ ở Sài Gòn. Nhưng đúng ngày Quốc khánh của Pháp 14 tháng 7 năm 1869, Vườn Bách Thảo lại được họp bàn ra quyết định mở cửa thường trực cho công chúng vào xem.

Những chiếc thuyền đang neo đậu trên sông Sài Gòn.

Tòa Pháp Đình Sài Gòn – sau này là Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tòa nhà là công trình xây từ năm 1881 đến 1885 thì hoàn tất do Foulhoux và Bourard thiết kế, gọi là Tòa đại hình Sài Gòn, nằm trên đường Mac Mahon. Năm 1898 thì cơ sở này đổi thành Tòa hình sự Sài Gòn (Cour criminelle de Saigon) kiêm Tòa Thượng thẩm Đông Dương (Cour d’appel de l’Indochine). Năm 1919 lại được đổi thành Tòa Thượng thẩm Nam Kỳ (Cour d’appel de Cochinchine).

Sang thời VNCH thì tòa nhà này giữ chức năng cũ dưới chính thể mới và hoạt động là Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, thường gọi là Pháp đình Sài Gòn. Cũng vì lẽ đó mà con đường Mac Mahon phía trước tòa Pháp đình cũng được đổi tên thành đường Công Lý (sau năm 1975, đường này được đổi lần nữa thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho đến hiện nay).

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.

Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, 1895. Tòa nhà này nằm cạnh với vị trí của nhà thờ Đức Bà Sài Gòn ở Công xã Paris.

Đây là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu tại Sài Gòn – là tòa nhà được người Pháp xây dựng trong khoảng năm 1886 – 1891 với phong cách châu Âu theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux.

Hình nhìn nghiêng một người lính Nam Kỳ ở Saigon, cho thấy chi tiết kiểu bới tóc và đội mũ.

Bản đồ vùng phụ cận Saigon năm 1895, vẽ bởi Sở địa chánh. Trong bản đồ này chưa có Kinh Đôi và Kinh Tẻ. Bản đồ này cũng cho thấy tuyến đường sắt Saigon – Mỹ Tho và các tuyến đường xe điện Saigon – Cholon (gồm 2 tuyến) và tuyến Saigon – Gò Vấp. Tuyến xe điện Saigon – Gò Vấp trong bản đồ này bắt đầu từ đầu đường Tôn Đức Thắng ngày nay, chạy bọc phía bên trái khu thành Gia Định cũ, hơi khác với tuyến đường này trong thời gian sau. Trong bản đồ cũng cho thấy trường (tập) bắn và trường đua ngựa cũ, ở vị trí Bộ tư lệnh TPHCM (trước 1975 là Bộ tư lệnh Biệt khu Thủ đô SG).

Chiếc thuyền Loire đang neo đậu trên sông Sài Gòn, trước chiến hạm của Hải quân.

Người chụp đang đứng trên đại lộ Norodom hướng ánh nhìn về phía Dinh Toàn Quyền ở phía xa. Những người trong ảnh đang đi trên ngã tư Hai Bả Trưng – Lê Duẩn ngày nay.

Tổng thanh tra Thuộc địa Louis Verrier (1849 – 1906) đang trên xe ngựa chuẩn bị cho chuyến đi dạo một vòng thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn theo “Tour de l’Inspection.”

Cận cảnh những chiếc thuyền có mái che đang neo đậu trên sông Sài Gòn.

Sông Sài Gòn được chụp lại ngày 14 tháng 12 năm 1895. Sự tiện lợi của chiếc thuyền này nằm ở mái che, vừa có thể che nắng lại có thể che mưa, giúp người dân khi di chuyển đỡ đi phần nào cơ cực.

Rạch Bến Nghé – Bìa phải là đường lên cầu Mống

Dinh Toàn Quyền hay Dinh Norodom (nay là Dinh Độc Lập) là một công trình kiến trúc, tòa nhà ở Sài Gòn. Đây từng là nơi ở và làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Hiện nay, dinh đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

Năm 1968, sau khi Pháp chiếm được lục tỉnh Nam Kỳ, Thống đốc Nam Kỳ Lagrandière đã làm lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Dinh Thống đốc Nam Kỳ mới tại Sài Gòn thay cho dinh cũ bằng gỗ trước đó. Do chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870 nên công trình này kéo dài đến 1871 mới xong. Sau khi xây dựng xong, dinh được đặt tên là dinh Norodom và đại lộ trước dinh cũng được gọi là đại lộ Norodom. Từ 1871 đến 1887, dinh được dành cho Thống đốc Nam kỳ nên người ta cũng gọi nó là dinh Thống đốc Nam kỳ. Nhưng từ 1887 đến 1945, các Toàn quyền Đông Dương đã trưng dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc nên dinh gọi là dinh Toàn quyền.

Đại lộ Norodom, nhìn về phía Vườn Bách thảo, với tượng Gambetta nơi ngã tư Thống Nhất – Pasteur.

Lúc đầu, đường mang tên là đại lộ Chính Phủ, về sau đổi tên là đại lộ Norodom (tên một nhà vua Campuchia từng đến thăm Sài Gòn). Năm 1950, Dinh Norodom được Chính phủ Bảo Đại đổi tên thành Dinh Độc Lập và đường Norodom cũng được đổi thành đường Thống Nhất. Sau năm1975, Dinh Độc Lập được đổi tên thành Dinh Thống Nhất và đường Thống Nhất đổi thành Đường 30 tháng 4. Đến năm 1986, đại lộ này được chính quyền TP.HCM đổi thành đường Lê Duẩn.

Viết một bình luận