Tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh – Những mảng ký ức không thể nào quên

Duyên Anh (1935 – 1997) là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo hoạt động tại miền Nam Việt Nam từ trước những năm 1975 và hải ngoại sau năm 1981. Ông đã xuất bản hơn năm mươi tác phẩm văn chương trước năm 1975: “Hoa Thiên Lý”, “Thằng Vũ”, “Luật Hè Phố”, “Điệu Ru Nước Mắt”, “Dấu Chân Sỏi Đá”, “Ảo Vọng Tuổi Trẻ”, “Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang”,…..và tác phẩm cuối cùng được hoàn thiện vào tháng 1/1975 mang tên “Tháng Giêng Ngon Như Một Cặp Môi Gần” kết thúc quá trình hoạt động trong nước của tác giả Duyên Anh trước sự kiện 30/04/1975 diễn ra.

Năm 1975, sau khi kết thúc tác phẩm sau cùng đó, Duyên Anh bị coi là “một trong những nhà văn nguy hiểm nhất Việt Nam”, ông bị chế độ mới nghiêm cấm viết lách và ra lệnh bắt giam không xét xử ông suốt sáu năm trời từ các nhà tù qua đến trại tập huấn. Mãi sau, nhờ sự can thiệp của Amnesty International và Pen Club International ông mới lấy lại được sự tự do. Vượt bao nhiêu hải lý để đến với trời Pháp, Duyên Anh bắt tay vào viết lại và cho xuất bản hơn hai mươi tác phẩm. Báo chí, đài phát thanh thời điểm đó ca ngợi ông hết lời, bút mực viết về ông cũng tốn không biết bao công sức. Đến cả sử gia Piere Chaunu cũng khen ngợi ông nói rằng – Duyên Anh là một nhà thơ, một niềm vinh quang của quốc gia. Có thể nói, “tự cổ chí kim” chưa có một người Việt Nam nào có thể vinh danh cho dân tộc trong tư thế lưu vong như Duyên Anh. Tự tin, nỗ lực phấn đấu, ông từng bước từng bước bỏ lại nghịch cảnh phía sau lưng, vén từng bức màn oan khiên mà giành lấy cho mình một chỗ đứng vững chắc trong vũ trụ văn học như một tượng đài của một nhà tiểu thuyết gia với đầy đủ tư cách.

Nhà văn Duyên Anh

Những tác phẩm của ông hầu hết đều là truyện dài, chỉ trừ “Hoa Thiên Lý”, “Tuyển Truyện Tuổi Thơ”, “Tuyển Truyện Duyên Anh” là những tập truyện ngắn. Và tác phẩm “Kẻ Bị Xóa Tên Trong Sổ Bụi Đời” tuy có hình thức là một tuyển tập với nhiều truyện ngắn nhưng thực tế nó lại là những trích đoạn được trích ra từ những tiểu thuyết của chính ông.

Duyên Anh là một nhà văn bình dị đúng nghĩa khi đem chuyện đời và người thật vào trong chính tác phẩm của mình – Với ông văn chương tiểu thuyết chỉ đơn thuần là một “hội bàn đào” để ông bàn về bạn bè, hành cử văn chương thế nào cho hay, cái tốt nói làm sao cho bình thường không lố lăng, còn cái xấu nói thế nào để không gây thêm thù oán bất kỳ ai. Khi đặt bút xuống viết, Duyên Anh đã có thể nắm bắt được người đọc của mình là ai: Là người như ông, không cầu cao sang quyền quý, chỉ cần bình thường qua ngày, là những người cũng muốn sống cuộc đời bình dị nhưng hoàn cảnh lại không cho phép nên đã bứng họ ra khỏi thế giới yên bình đó. Duyên Anh không phải loại nghệ sĩ làm dáng làm duyên, viết nên những câu chuyện không tưởng, đặt viễn cảnh xa xăm cho người đọc; ông cũng không đề ra những triết lý nhân sinh cao vời hay những giả tưởng về tương lai ngoài tầm với. Ông chỉ giới thiệu đến người đọc những mảnh đời đẹp, sẽ có những cô tiên lung linh hiện ra giúp đỡ, cũng có những khốn khổ thử thách lòng người. Cái mà ta đọc được ở tiểu thuyết Duyên Anh chính là câu trả lời về cuộc đời, về con người và về tình cảm.

Những đề tài chủ yếu trong tác phẩm tiểu thuyết của Duyên Anh:

1. Tình yêu quê hương đất nước – yêu gia đình:

“Hoa Thiên Lý” là tác phẩm đầu tay của Duyên Anh được viết vào thời điểm trước 1/11/1963 khi nhà văn đang ở thảm cảnh khốn khó. Chỉ vỏn vẹn 10 tập truyện nhưng lại là bước ngoặt thành công cho Duyên Anh trên con đường văn chương, không chỉ là nội dung mà còn là ngôn từ được sử dụng. Sau sự thành công đó chính là sự ra đời của nhiều tác phẩm sau này, văn chương của những ký ức xa xôi, những tuổi thơ đã bị đánh mất, hay những quá khứ được kiếm tìm về đời người xưa cũ.

“Hoa Thiên Lý” không đơn giản là nỗi niềm thương nhớ về mẹ, mà nó còn là nỗi lòng và sự yêu thương cần có trên đường đời mà tác giả mong được dàn trải. Sự nhung nhớ, mong mỏi tìm về – “tôi đi tìm thương yêu trong màu hoa thiên lý, đi tìm những bà Mẹ biết kể chuyện tâm tình, đi tìm cô bé thả mắt trong mơ dưới giàn cây…”, và nó cũng là nỗi buồn khi chia cách – “Giàn thiên lý quê nhà giờ đây đã héo khô tàn tạ. Loài ve sầu không rủ rê mùa hạ sang nữa nên họ hàng nhà bọ ngựa cũng chết hết vì buồn. Ở ngoài ấy, người ta cấm không cho ai buồn, không cho ai nhớ, không cho ai thương nhau thì dễ gì mẹ tôi đã được ngồi dưới giàn hoa thiên lý mà kể chuyện cho tôi nghe” (Trích từ Hoa Thiên Lý, Tr.22-23).

Truyện “Hoa Thiên Lý” là tác phẩm đầu tay, lại được viết trong hoàn cảnh khốn cùng của một kẻ lưu lạc, nên trong hồi ký Nhà Báo, Duyên Anh đã từng chia sẻ: Sống trong hoàn cảnh thảm thương khốn cùng nên ông đâm ra nhớ nhà khủng khiếp. Không chỉ nhớ mẹ, nhớ nhà mà còn nhớ về những tuổi thơ, những lưu luyến khôn nguôi về ký ức đã cũ. Một đêm mưa gió mù mịt dưới chân cầu Tân Thuận, mất ngủ vì mái nhà bị dột mưa, nơi nào cũng lạnh lẽo, nên ông đã thức suốt một đêm và hí hoáy viết nên tuyệt phẩm Hoa Thiên Lý.

Ngoài ra, các truyện ngắn như “Con Sáo Của Em Tôi”, “Em”, hay “Vòng Tay Của Một Người”….tuy được viết về tình yêu nhưng lại chỉ là cái cớ, cái cớ để từ đó nhà văn Duyên Anh gợi nhớ về hình ảnh nơi quê nhà, mơ bản thân được trở về với những dĩ vãng xưa, được sống và được hồn nhiên. Đến với “Trẻ Thơ Và Bụt”, “Khúc Rẽ Cuộc Đời”,…Duyên Anh lại vẽ nên một khung cảnh tuổi thơ chịu nhiều ảnh hưởng cuộc đời bởi những thảm kịch nhân sinh, tạo nên bi kịch của một thời niên thiếu.

2. Tuổi thơ cùng những hoài niệm:

“Tuổi ngọc” là độ tuổi được Duyên Anh chăm chút rất kỹ trong sự nghiệp văn chương của ông. Đầu tiên phải kể đến bộ tiểu thuyết “Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ” gồm 6 quyển cho khung cảnh tỉnh lẻ Thái Bình từ những năm 1944 – 1954. Thằng Vũ được bắt tay vào viết khi Duyên Anh bước vào những năm cuối cùng làm công chức trước 1/11/1963. Tuổi thơ của những đứa trẻ trong thế chiến, thảm cảnh tù đày, bạo động hay sự phản trắc, chia cách của những vùng tiếp thu. Bộ truyện này nói lên nỗi thất vọng trong tâm của tác giả khi nhìn đến cảnh tượng chiến tranh triền miên, khi ngắm nhìn cảnh hoàng hôn mộng mơ nhưng tình người lại xám xịt, lạnh lẽo từ tâm – hững hờ đến vô cảm – “Điều tôi định nói lên trong Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ là con người có thể xây dựng lại tất cả, nhưng sự đổ vỡ về tình người thì không thể xây dựng lại được” – Con người có thể gầy dựng được quê hương sau sự đổ vỡ của chinh chiến, nhưng làm sao xây lại được nhân cách con người nếu đã bị nung nấu và biến chất theo thời gian.

Rồi đến “Dzũng Đa-Kao”, “Bồn Lừa”,…tuổi thơ mới lại được mở ra nhưng vào thời điểm đương đầu cùng chiến tranh Nam – Bắc, tuổi thơ của những đứa trẻ muốn làm anh hùng dân tộc. Tuổi thơ của những đứa trẻ hư hỏng ở nơi vỉa hè được đưa vào trường học, hay có khi là niềm mơ ước của những đứa trẻ mong được hết nghèo khổ, được khoác áo học trò để đến lớp. Cũng có khi tuổi thơ trong truyện Duyên Anh là giấc mơ của những đứa bé lang bạt được có mái ấm gia đình, được ăn mặc đẹp, được cấp sách đến trường như bao  bạn đồng trang lứa.

Cái tuổi thơ trong truyện của Duyên Anh nói riêng hay của văn chương Việt Nam nói chung là tuổi thơ của mọi người, là một phần trong đời sống của mỗi con người chúng ta. Nó là những ký ức được lưu giữ lại có ảnh hưởng trực tiếp đến phần đời người lớn, phần đời trưởng thành với chí hướng và mục tiêu sự nghiệp của mỗi chúng ta.

Dù nghịch phá hay hư hỏng, ghẹo chọc thầy cô, chọc phá bạn bè, thích hát ca, thích đánh lộn, chẳng xem việc học ra gì, nhưng dĩ vãng vẫn có lúc quay trở lại ngôi trường mà yên vị trên ghế để lắng nghe bài giảng. Mùa hè được về quê ngoại thả diều, vui chơi trong “Phương Vĩ”; hay thời thơ ấu của một cậu bé nhà nghèo bên cạnh con đường “oan nghiệt” của người cha qua tác phẩm “Hôn Em” – “Kỷ Niệm”; hay sự hoài niệm về một quá khứ không được trở thành một học trò gương mẫu, sự hối hận gián tiếp trong “Trường Cũ”;…..Và mãi đến hồi ký “Nhìn Lại Những Bến Bờ”, Duyên Anh đã kể lại cho bạn đọc nghe những phí hồi tuổi xuân của bản thân mình, ông đã không trân trọng nó như thế nào.

Điểm tạo nên sự đặc biệt của văn chương tuổi nhỏ chính là lối ngôn ngữ bình dị, gần gũi, hồn nhiên lại trong sáng. Và Duyên Anh đã trở thành một hiện tượng tiêu biểu bởi những tác phẩm của ông chiếm trọn trái tim của người đọc. Đến nhà thơ Trần Tuấn Kiệt cũng phải công nhận: Hình ảnh tuổi trẻ từ thiên đường đến đất hứa trong từng tác phẩm của Duyên Anh, không chỉ là những mộng mơ hay sự phục sinh kỳ diệu của thuở thiếu thời, mà nó còn tái hiện được những phẫn uất trong sự lầm than của một vùng nhân thế.

3. Thanh xuân và những nổi loạn tuổi trẻ:

Duyên Anh xuất bản những tác phẩm về chủ đề tuổi trẻ ngay thời điểm miền Nam đang xây dựng và tổ chức những phong trào thanh niên học sinh sinh viên do chính quyền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa phát động. Cũng thời điểm đó, kẻ thù cùng thừa cơ mà tiến vào với âm mưu độc chiếm đất nước ta. Tuổi trẻ lại rủ nhau mà đầu quân tham chiến, xuống đường diễu hành chống độc tài, chống chính khách xôi thịt,…mong muốn đòi lại hòa bình, giải phóng đất nước.

Nếu mảng đề tài tuổi thơ, Duyên Anh mang những câu chuyện thực của mình cùng lũ bạn vào tiểu thuyết, thì ở tuổi trẻ, ông lại kết hợp tất cả những kinh nghiệm cá nhân từ trước đến nay: từ thời mới vô Nam, đến lúc đi làm báo rồi vào công chức.

Trẻ bụi đời và du đãng được Duyên Anh phân ra làm hai khuynh hướng rõ rệt. “Luật Hè Phố” và “Dấu Chân Sỏi Đá” được kể viết về những đứa trẻ mồ côi, những đứa trẻ bụi đời không cha không mẹ, không gia đình người thân. Chúng là những đứa trẻ đánh giày, bán vé số, lượm nhặt ve chai,…chúng không có quyền lựa chọn cuộc sống. Nhưng dù vậy, chúng vẫn biết cách để sinh tồn, nghèo khó vẫn biết đùm bọc và bảo ban nhau và vui sống.

Về phần tiểu thuyết du đãng được Duyên Anh nhấn mạnh: “Tuổi trẻ bơ vơ, thèm xả thân cứu giúp đời, mà rốt cuộc tinh thần hào hiệp biến thành tinh thần du đãng”. Không phải chỉ một lần mà thậm chí là nhiều lần khác nữa, tỷ như trong tiểu thuyết “Điệu Ru Nước Mắt”, Duyên Anh gọi những người trẻ thuộc thành phần này là “những thằng trong sạch nhất trong xã hội” hay ca ngợi tinh thần du đãng “xã hội du đãng cũng ăn đứt xã hội đạo đức giả”, “du đãng nhiều thằng lương thiện gấp bội những thằng to tiếng đòi giáo dục du đãng”. Với ông, du đãng không đồng nghĩa với người xấu, nó du đãng chỉ vì chứng nổi loạn lúc cô đơn; hay nổi loạn tâm hồn vì sự bất mãn với gia đình, với nhà trường, với xã hội; hay nặng hơn là sự căm thù cuộc đời vì chính cuộc đời, chính những con người nhân đức đã xem nó như một thằng du đãng, nó khinh miệt cuộc đời đầy sự giả dối này.

Những nỗi loạn bắt buộc, những nỗi loạn mà bản thân người trong cuộc không hề có sự lựa chọn trong “Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang” hay một tình yêu không khoảng cách, không cấp bậc giữa Mường Lác và gái điếm Alice Hồng trong “Nước Mắt Lưng Tròng”. Nhưng có thế nào thì tất cả những nhân vật này đều kết thúc cuộc đời mình trong sự khốn cùng và bi thảm. Một chiếc xe chạy hết công suất cùng tốc độ, đèn pha được mở chiếu sáng cả một khoảng trời đã đè nghiến lên đầu của một con người. Chiếc xe đã mất hút vào màn đêm, vụt qua con phố khác trong tích tác, chỉ để lại Mường Lác cô độc phơi tây giữa bầu trời. Một con người giết người không gớm tay lại bị xóa sổ khỏi danh sách bụi đời bằng một cách tầm thường đến bi thương.

Xã hội luôn có những luật lệ riêng của nó, nhưng những nhân phẩm hay đức tính tốt đẹp như đùm bọc, yêu thương nhau, chia sẻ,…vẫn luôn được con người ta gìn giữ. Có những tuổi trẻ vì hoàn cảnh ép buộc mà trở thành du đãng, nhưng khi hoàn lương học lại trung học, có người còn giỏi giang đậu cả tú tài Pháp. Du đãng nhưng khi đất nước cần sự trợ giúp, họ vẫn sẵn sàng nhập ngũ mà thi hành hiệu lệnh như những công dân thời chiến bình thường khác. Nhân vật Trần Đại trong “Điệu Ru Nước Mắt” là một tên đại ca giang hồ nhưng lại được đàn em James Dean Hùng khen rằng: “Anh Trần Đại được làm tướng đi đánh nhau với cộng sản, chắc chắn anh ấy thương lính của anh ấy như thương chúng mình, anh ấy lại cừ nữa, cộng sản cứ gọi là hết ngáp…”. Một thằng du đãng đúng nghĩa lại thương người hơn những tên đạo mạo giả dối, mở miệng là lấy dân làm đầu, thương dân như con nhưng trong tâm thì đã bán nước cầu vinh từ thuở nào.

Khi được hỏi tại sao lại viết về chủ đề này nhiều như thế, Duyên Anh đã trả lời rằng: Tại thời điểm sáng tác “Điệu Ru Nước Mắt” thì đất nước mình đang rơi vào tình huống thù “thù trong giặc ngoài” loạn hết cả lên, các tướng lãnh thì đảo chính đánh nhau, người tướng này bắt giết người tướng kia, người tương anh hùng hôm nay thì mai lại thành tướng gian lừa đảo. Dưới góc nhìn của một nhà văn, ông chỉ cảm thấy chán nản và bất lực, chẳng có gì đáng ca ngợi một xã hội như thế cả. Thế là ông đem du đãng ra ca ngợi, đem một góc tối của xã hội phơi bày trước mặt mọi người về những điều tốt đẹp mà ai ai cũng có cái nhìn sai lệch.

Không những thế, Duyên Anh còn ca ngợi tuổi trẻ du đãng bằng ánh nhìn trìu mến và hiểu biết, đôi lúc ông lại mang tâm trạng phẫn nộ của mình vào tiểu thuyết như “Ảo Vọng Tuổi Trẻ”: “Hình phạt nào mới xứng đáng cho một tên lừa gạt tuổi trẻ, cho những tên làm ung thối một thế hệ mới vươn lên để tìm chỗ đứng cho dân tộc dưới ánh mặt trời”.

Sau sự ra đời của “Điệu Ru Nước Mắt”, “Trần Thị Diễm Châu”, “Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang”, “Sa Mạc Tuổi Trẻ”, nhà văn Duyên Anh đã không còn theo đuôi những câu chuyện giang hồ du đãng nữa. Ông trở về với tuổi thơ, nuôi lại tâm hồn bằng những tình yêu nho nhỏ của “Mây Mùa Thu”, “Cầu Mơ”,…Tình yêu trong Duyên Anh cũng được chia ra nhiều thể loại nhỏ khác nhau: Từ tình yêu của tuổi thơ đến lứa tuổi học trò, từ tình yêu chốn bụi đời đến những cuộc hôn nhân vợ chồng. Bước đầu là những mối tình vụn dại, giữa nét hồn nhiên và ngây thơ trong “Trường Cũ”, “Thằng Côn”,…Tình trong trắng và ngây ngô của lứa tuổi học trò “thập thò dưới gốc cây gần cổng trường” đợi chờ người thương nhỏ, nàng e thẹn – chàng ngượng ngùng rồi cùng nhau thả bước ngược đường về họ. Tiếp đến lại là những câu chuyện tình yêu tan vỡ nhưng lại đẹp đến vô tội vạ – Tình yêu vốn trong trắng nhưng dần đà lại trở lên vụ lợi và đầy toan tính, những thủ đoạn với cuộc đời được áp dụng cho cả tình yêu.

Nếu Duyên Anh là một người kém may mắn trong tình yêu thì vào tiểu thuyết ông đã bù đắp lại bằng những câu chuyện tình ngọt ngào và cái kết có hậu. Giống như tiểu thuyết “Về Yêu Hoa Cúc” – Đó là câu chuyện tình yêu mùi mẫn giữa nàng sinh viên và chàng nhà thơ, hai người đã ngọt ngào mà “…đi bên cạnh cuộc đời, ái ân nhạt nhẽo của chồng tôi”.

Khi viết về chủ đề tình yêu, Duyên Anh không đi quá sâu vào tâm lý nhân vật, với ông con người yêu nhau rất dễ dàng hoặc là trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó như cái “định mệnh an bài” thì cuối cùng họ cũng yêu và đến với nhau thôi. Và những nhân tình trong tiểu thuyết tình yêu của ông cũng chẳng có gì phức tạp hay sâu xa, nên người đọc cũng không cần phải chuẩn bị tâm lý.

4. Xã hội đương thời:

Do nhu cầu nghề báo và mưu sinh kiếm sống nên Duyên Anh chấp nhận viết về chủ đề này. Tiểu thuyết của Duyên Anh trong ký ức chúng ta thường là những câu chuyện Thái Bình, Hà Nội từ trước những năm 1954 và những chuyện về miền Nam vào năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, nhưng xã hội loạn lạc miền Nam thời chiến vẫn được ông đề cập đến: nó là một xã hội chỉ toàn sự mưu mô, tính toán, là xã hội của những kẻ mạnh ức hiếp người yếu.

Trong tác phẩm “Cảm Ơn Em Đã Yêu Anh”, Duyên Anh đã vạch trần một xã hội miền Nam với nhiều bộ mặt mâu thuẫn và nghịch lý: một xã hội dư thừa và phóng đãng, một xã hội chỉ biết dụ lợi trong khi chiến tranh vẫn đang bủa vây cả trong lẫn ngoài và cái chết vẫn đang chực chờ không biết khi nào sẽ đến.

Lối hành văn và ngôn ngữ trong tiểu thuyết:

Ngôn ngữ của Duyên Anh rất bình dị và gần gũi với cuộc sống thường ngày của chúng ta, không trừu tượng cũng chẳng phức tạp. Nhưng cái hay của ông là chỉ dùng một từ ngữ nhưng lại hàm chứa rất nhiều hình ảnh và tầng ý nghĩa: “Khi mắt mẹ phảng phất khói hương mơ mộng thì lại là lúc phải khóc nhiều vì cô độc đau thương. Pháo cưới thi nhau đổ nát tan  lòng mẹ. Màu áo đỏ, áo xanh bỗng nhiên ngả màu tang tóc như muốn lịm chung cuộc đời người con gái chưa đầy hai mươi xuân. Những con bươm bướm đa tình chẳng chịu ghé hoa vườn thuốc độc nên mẹ già cỗi và gần như xa hẳn nhân gian.” (Trích từ Hoa Thiên Lý. Tr.18).

Một ngôn ngữ hợp với đại đa số tác phẩm của Duyên Anh và toàn bộ lại có thể xem như một câu chuyện kể dài tập. Trong hồi ký “Nhìn Lại Những Bến Bờ”, Duyên Anh đã kể lại cho bạn đọc việc ông đã học cách viết giản dị và trong sáng từ nhà giáo Trần Trọng Kim trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư và Luân Lý Giáo Khoa Thư như thế nào. Vào năm 1972, được dịp trao đổi với sinh viên, có người đã so sánh ông cùng nhà văn Mai Thảo, những tác phẩm của ông được nhìn nhận là “có nghệ thuật viết” rất lôi cuốn và thu hút người đọc. Nhưng ông lại khiêm tốn mà tự nhận mình chẳng phải là nhà viết tiểu thuyết. Ông nói rằng: Tiểu thuyết đúng nghĩa phải được xây dựng bởi nhiều tình tiết khác nhau, còn ông chỉ có vài quyển truyện được gọi tạm là tiểu thuyết mà thôi, còn về sau ông lại đem những cái thực tế vào truyện, đem văn chương nói lên những điều bản thân muốn nói. Vậy nên người ta gọi ông là nhà văn là không đúng, mà gọi là tiểu thuyết gia cũng sai, ông chỉ đơn thuần là một người viết văn, viết nên cảm xúc và suy nghĩ của bản thân mà thôi.

*  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *  *

Trong một thời gian dài, Duyên Anh trở thành một tượng đài văn học vì những tác phẩm của ông đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của thời đại – thời điểm chiến tranh đang leo từng bậc, cả xã hội rơi vào sự khủng hoảng từ văn hóa đến đời sống thì những tác phẩm của Duyên Anh lại như một ngọn đèn thắp sáng giữa trời đêm u tịch – nó mang chí hướng giáo dục, đáp lại hoàn toàn những mong muốn đó. Đừng nghĩ là sẽ tìm thấy những thứ triết lý siêu hình hay những điều viễn tưởng trong tác phẩm của Duyên Anh. Tại đây, chúng ta chỉ thấy được tiếng nói của đời sống thường ngày, những hình ảnh chân thật hóa từ nhà giáo đến cha mẹ và những đứa trẻ bụi đời.

Có thể nói ngoài vài cuốn tiểu thuyết viết về những đứa trẻ bụi đời hay viết về một xã hội du đãng thì toàn bộ những tuyệt phẩm còn lại trước năm 1975 đều được kể nên bởi chính cuộc đời của nhà văn Duyên Anh. Có những kỷ niệm, những tình tiết câu chuyện hay những khung cảnh lẫn nhân vật cũng được ông lặp lại ở nhiều tác phẩm. Ông từng nói bản thân bị ám ảnh bởi dĩ vãng, bởi những kỷ niệm và khoảng trời rộng lớn nơi vùng quê ông từng sinh sống khi thuở nhỏ. Và ông cũng tự nhận bản thân chưa đủ tuổi để trải đời để đi xa, chưa đủ thời gian để thoát ly được những cái gọi là dĩ vãng, hoài niệm, và không đủ can đảm để thoát ra vùng trời thân thuộc của bản thân ông.

Viết một bình luận