Tuyển tập những hình ảnh cho thấy sự phồn thịnh của “Đô Thành Sài Gòn” từ năm 1954 – 1965 – Phần 1

Những năm 1954 – 1965, Sài Gòn được chính quyền Việt Nam Cộng hòa xây dựng làm thủ đô.

Năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã đổi tên Khu Sài Gòn-Chợ Lớn thành Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn. Tổng thống trực tiếp bổ nhiệm Đô trưởng và các quận trưởng trong đô thành, chia lại các quận, theo đó Đô thành Sài Gòn được chia lại thành 8 quận, được đánh số từ 1 đến 8.

Vào thập niên 1950-60, thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, với viện trợ của Mỹ, Sài Gòn được đầu tư xây dựng hạ tầng, được coi là “Hòn ngọc Viễn Đông” (The Pearl of the Far East) hay “Paris Viễn Đông” (Paris de l’Extrême-Orient), kết quả là một hạ tầng cơ sở được xây dựng khá hoàn chỉnh.

Toà Đô Chánh

SAIGON 1960s – Tòa Đô Chánh

Tòa đô chánh là một trong những công trình kiến trúc cổ điển ở Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1898 đến 1909. Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên là Hôtel de ville trong tiếng Pháp hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt. Đến thời Việt Nam Cộng hòa, nó được gọi là Tòa đô chánh Sài Gòn vì là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thủ đô. Từ sau ngày Việt Nam thống nhất đến nay, tòa nhà là nơi làm việc của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và một số cơ quan khác.

Saigon 1963 – Tòa Đô Chánh, bên phải là bãi xe máy – loại phương tiện chủ yếu của người dân Saigon ngày đó.
SAIGON 1965 – Rất nhiều ô tô trước Tòa Đô Chánh cho thấy sự phồn thịnh của Saigon lúc đó.

Công trường Lam Sơn

Công trường Lam Sơn. Các toà nhà cao tầng nằm san sát nhau.

Công trường Lam Sơn là một khu vực công cộng nằm ở Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, bao quanh phía trước và phía sau Nhà hát Thành phố. Chạy ngang công trường là đường Đồng Khởi nổi tiếng. Ngoài Nhà hát, xung quanh công trường còn có một số khách sạn lâu đời như Khách sạn Continental và Khách sạn Caravelle Sài Gòn.

Đầy đủ các loại siêu xe hiện đại có mặt trên Công Trường Lam Sơn ngày đó.
Bức tượng khắc họa hai binh sĩ thủy quân lục chiến của quân lực VNCH

Trên bản đồ ngày nay, Công trường Lam Sơn gồm phần đất phía trước và sau Nhà hát. Thời Pháp thuộc, phần công trường phía mặt tiền Nhà hát có tên là Place Francis Garnier. Năm 1910, nhà cầm quyền thuộc địa cho đặt một bức tượng vinh danh sĩ quan Francis Garnier – nhân vật gắn với sự kiện Pháp chiếm thành Hà Nội. Phía sau nhà hát có một khu đất cũng thuộc công trường, được gọi là Place Augustin Foray từ năm 1935. Năm 1955, khi nền Cộng hòa được thiết lập tại miền Nam Việt Nam, công trường được đổi tên thành Công trường Lam Sơn. Về sau, người ta dựng một bức tượng khắc họa hai binh sĩ thủy quân lục chiến nhưng lại đặt theo hướng giương vũ khí vào nhà Hạ nghị viện Việt Nam Cộng hòa, vốn là nhà hát được cải tạo từ năm 1955. Tượng này bị đám đông kéo đổ trong ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Giao thông tấp nập phía trước Công Trường Lam Sơn

Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam

Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam

Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là ngân hàng trung ương của Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa hình thành ngày 31 tháng 12 năm 1954 và hoạt động đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngoài việc phát hành tiền tệ, cơ quan này đảm trách việc quản lý tài chính và tham mưu các chính sách liên quan đến tiền tệ cho Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 4 tháng 6 năm 1954, Pháp ký hiệp định trao trả độc lập cho Việt Nam. Bản hiệp ước do thủ tướng Nguyễn Phúc Bửu Lộc của chính phủ Bảo Đại và thủ tướng Pháp Joseph Laniel ký ghi nội dung điều khoản 3: Pháp cam kết trao trả lại cho Chính phủ Việt Nam các thẩm quyền và công vụ mà Pháp còn phụ trách. Trong đó, họ trao trả lại quyền tự chủ tiền tệ, tức giải tán Viện phát hành tiền tệ Đông Dương của mình để trao trả lại quyền phát hành tiền cho Việt Nam.

Ngày 21 tháng 12 năm 1954, quốc trưởng Bảo Đại ký dụ số 18 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và Viện hối đoái riêng. Tuy nhiên trong thời gian đầu, tiền Việt Nam vẫn nằm trong khu vực đồng franc có tỉ giá 1 đồng Việt bằng 10 đồng franc.

Ngày 1 tháng 1 năm 1955, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam chính thức hoạt động tại số 17 Bến Chương Dương, Sài Gòn. Đồng bạc Đông Dương (piastres) được thay thế bằng đồng bạc Việt Nam. Trong những hoạt động đầu tiên là thu hồi tiền tệ do Viện Phát hành Quốc gia Việt, Miên, Lào (Institut d’Emission des Etats du Cambodge, du Laos et du Viet-Nam) cho lưu hành, để thay bằng tiền mới của Ngân hàng Quốc gia.

Ngày 17 tháng 12 năm 1955, tiền Việt chính thức tách ra khỏi các thỏa ước tiền tệ với Pháp trước đó bằng việc thủ tướng Ngô Đình Diệm ký dụ số 15, bắt buộc tất cả hoạt động tiền tệ đều nằm dưới quyền kiểm soát của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Không còn nằm trong khu vực tiền Pháp, đồng Việt Nam được ấn định tỉ giá theo đôla Mỹ, thời điểm này 35 đồng bằng 1 USD, 98 đồng bằng một bảng Anh và 0,1 đồng bằng 1 franc.

Ngâng Hàng Quốc Gia Việt Nam. Saigon 1967

Hạ Nghị Viện

Saigon 1963 – Trụ sở Lưỡng Viện Quốc Hội

Sau khi chiếm được Nam Kỳ, năm 1863, chính quyền Pháp đã mời một đoàn hát sang biểu diễn tại Sài Gòn để giải trí cho lính viễn chinh Pháp. Lúc đầu, đoàn biểu diễn tạm tại nhà gỗ của dinh Thủy sư đề đốc tại Công trường Đồng Hồ (Place de l’Horloge) (góc Nguyễn Du – Đồng Khởi hiện nay). Sau đó, một nhà hát tạm được lập ở vị trí Khách sạn Caravelle ngày nay. Năm 1898, Nhà hát lớn được khởi công ngay cạnh nhà hát cũ và đến ngày 1 tháng 1 năm 1900 thì khánh thành.

Sau khi Pháp tái chiếm Đông Dương, do hoàn cảnh chiến tranh, nhà hát không được tu bổ nhiều. Năm 1954, nơi đây được sử dụng làm nơi ở tạm trú cho các thường dân Pháp từ miền Bắc di cư vào Nam theo Hiệp định Genève năm 1954. Năm 1955, nhà hát được tu bổ cải tạo nhưng lại được sử dụng với chức năng tòa Trụ sở Quốc hội (sau gọi là nhà Hạ nghị viện) của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Sau năm 1975, Nhà hát được trả lại chức năng ban đầu là tổ chức biểu diện nghệ thuật. Năm 1998, nhân dịp 300 năm khai sinh Thành phố Sài Gòn, Chính quyền thành phố đã cho tu bổ lớn với phương châm bảo tồn phong cách kiến trúc ban đầu, với một số trang trí, điêu khắc nổi ở mặt tiền nhà hát như tượng nữ thần nghệ thuật, các dây hoa… được phục chế.

Bãi xe phía trước trụ sở Lưỡng Viện Quốc Hội

Đại lộ Nguyễn Huệ

Đại Lộ Nguyễn Huệ 1960

Nơi đây khởi thủy là con kênh dẫn nước từ sông Sài Gòn vào thành Gia Định (còn gọi thành Bát Quái) do Nguyễn Ánh xây dựng năm 1790. Ban đầu, nó có tên là Kinh Lớn (nghĩa là “con kênh to lớn”) vì là con kênh trọng yếu giúp thuyền bè chạy thẳng vào thành. Thời Pháp thuộc, người Pháp cũng gọi Kinh Lớn với tên tương tự trong tiếng Pháp là Grand. Người Việt đôi khi còn gọi Kinh Lớn là Kinh Chợ Vải vì nơi đây hoạt động buôn bán vải vóc khá nhộn nhịp của người Ấn Độ (còn gọi là dân Chà Và). Sau đó, Kinh Lớn được đổi tên thành kênh Charner theo tên đô đốc Charner – người ban hành quy định giới hạn địa phận thành phố này. Hai đường xe chạy hai bên bờ kênh mang tên Rigault de Genouilly và Charner (mặc dù đường Charner cũng được gọi là Canton do có nhiều người Hoa gốc Quảng Đông tập trung giao thương).

SAIGON 1965 – Đường Nguyễn Huệ

Vì lưu lượng hàng hóa vận chuyển tấp nập nên Kinh Lớn dần dần trở nên ô nhiễm nặng khiến người Pháp phải cho lấp kênh đào này, cùng với con đường ở hai bờ để trở thành đại lộ rộng lớn mang tên Đại lộ Charner vào năm 1887. Tuy nhiên, người Sài Gòn khi đó lại thường gọi bằng cái tên dân gian là đường Kinh Lấp (nghĩa là “con kênh bị lấp đất”). Đến năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên con đường này thành Đại lộ Nguyễn Huệ và được sử dụng cho đến ngày nay.

Trước 75 đường Nguyễn Huệ nổi tiếng với chợ Hoa Tết mỗi dịp tết đến xuân về

Chợ Bến Thành

Chợ Bến Thành là một ngôi chợ nằm tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912,hình ảnh đồng hồ ở cửa nam của ngôi chợ này được xem là biểu tượng không chính thức của Thành phố Hồ Chí Minh.

Chợ Bến Thành thời kỳ đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, được mô tả như là “phố chợ nhà cửa trù mật” ở dọc theo bến sông. Chỗ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ, có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài biển lên. Đầu phố phía Bắc là ngòi Sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền”[1]. Tuy nhiên, sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-1835), thành Quy bị triệt hạ, phố chợ Bến Thành cũng không còn sầm uất như trước.

Trước khi Pháp đánh chiếm Gia Định, khu vực xung quanh thành Gia Định (bấy giờ là thành Phụng) mới chỉ có 100 ngàn dân và chợ Bến Thành là nơi đông đúc nhất. Cạnh khu chợ, dọc theo bờ sông Bến Nghé, các ghe thương thuyền thường đậu chen chúc nhau, tạo thành một thành phố nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, khi ấy khu họp chợ trên bến mới chỉ là một dãy nhà trống lợp ngói. Vào tháng 2 năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định và hai ngày sau, các binh lính người Việt đã tổ chức hỏa công thiêu rụi cả thành phố, tất nhiên chợ Bến Thành cũng bị thiêu hủy. Sau khi đã vững chân trên mảnh đất Nam Kỳ, năm 1860, người Pháp đã cho xây cất lại chợ Bến Thành ở địa điểm cũ (thời Việt Nam Cộng hòa là địa điểm Tổng Ngân khố, nay là Trường đào tạo cán bộ ngân hàng trên đường Nguyễn Huệ). Ngôi chợ được xây cất bằng cột gạch, sườn gỗ, và lợp lá.

Tuy nhiên, khoảng giữa năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ. Để tránh tai họa, người ta phải phá chợ, chỉ còn gian hàng thịt, vì mái tôn nhẹ, nên chưa bị phá. Đồng thời, người Pháp cũng lựa chọn một địa điểm để xây cất một khu chợ mới lớn hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển. Địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (nay là Bến xe Sài Gòn), tức là địa điểm chợ Bến Thành ngày nay.

Khu vực xây chợ, vốn là một cái ao sình lầy cũ, gọi là ao Bồ Rệt (Marais Boresse), được người Pháp cho lấp đi. Khuôn viên chợ quy hoạch bốn mặt bởi bốn con đường. Mặt tiền là Place Cuniac, tên đặt theo viên Thị trưởng thành phố Sài Gòn (Xã Tây) Cuniac, người đã đề ra công việc lấp ao. Người Việt thì quen gọi đó là Bùng binh Chợ Bến Thành cho dù tên chính thức đã từng đổi là “Công trường Cộng Hòa”, “Công trường Diên Hồng”, rồi “Quảng trường Quách Thị Trang”. Mặt bắc chợ là Rue d’Espagne, phía đông là rue Viénot, và phía tây là rue Schroeder.

Năm 1955 thời Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam, ba con đường này đổi tên thành đường Lê Thánh Tôn, đường Phan Bội Châu và đường Phan Châu Trinh.

Chợ BẾN THÀNH, bên phải là Nhà hàng-Phòng trà HÒA BÌNH

Khu chợ mới này vẫn mang tên gọi Bến Thành; tuy nhiên cho đến trước năm 1975 tên gọi chợ Bến Thành này thường chỉ hiện diện trong sách vở, còn người dân thì thường gọi là chợ Sài Gòn hay chợ Mới, để phân biệt chợ Cũ tại điểm cũ, vốn chỉ còn lại gian hàng thịt. Phần còn lại bị phá đi và được người Pháp xây dựng thành cơ quan Ngân khố. Hai con đường bên hông chợ mãi đến năm 1940 còn là bến xe đò miền Đông và miền Tây. Về sau, bến xe này mới được dời đi chỗ khác.

Còn tiếp….

Viết một bình luận