Chuyện kể về Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà và những ký ức khó quên của Mệ về lịch sử của triều đại nhà Nguyễn

Nhắc đến hoàng hậu Nam Phương chắc ai cũng đã từng nghe nói hoặc biết đến bà với cương vị là vị hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Trong thời gian bà làm hoàng hậu thì sẽ trải qua một số lễ nghi cung đình. Và người chuyên vấn khăn vành cho bà trong các buổi yến tiệc là cô Mệ Bông với tên đầy đủ là Nguyễn Thị Cẩm Hà.

Mệ Bông – Nguyễn Thị Cẩm Hà
Gia đình bà Chúa Nhất, Mệ Bông là người mặc áo bông đứng cạnh bà Chúa Nhất

Sở dĩ bà có tên gọi là Mệ Bông vì theo tục lệ xưa của nhà Nguyễn, những con cháu trong hoàng tộc phải được đặt tên theo nguyên tắc lót chữ Mệ đi kèm với tên nghe bình dân một chút. Là hoàng tử, công tử, những người liên quan đến hoàng gia thì càng phải áp dụng nguyên tắc này vì theo suy nghĩ của người Huế xưa thì quỷ thần rất hay bắt cóc trẻ con. Vì lẽ đó nên người Huế thường đặt tên con có chữ Mệ và từ này đã trở thành một điều gì đó rất quen thuộc của người Huế.

Bà được người đời nhận xét lúc trẻ bà là một người phụ nữ xinh đẹp. Mệ Bông xuất thân trong dòng dõi hoàng gia, là con gái của Trưởng công chúa triều Nguyễn Tốn. Từ nhỏ Mệ Bông đã phải học tất cả các quy tắc trong cung nên tài nghệ đàn tranh của bà vô cùng xuất chúng. Nhà báo Mỹ W. Robert Moore đã may mắn được tận mắt chứng kiến tài nghệ của bà khi để đón tiếp ông tại phủ riêng của Trưởng công chúa thì Mệ Bông, vị lão gia sư khiếm thị và nhạc công khác cùng hợp tấu, xung quanh sẽ có những ca công trẻ biểu diễn những ca khúc Huế.

Bà Chúa thân mẫu của Mệ Bông là Nguyễn Phúc Tốn Tùy (Có âm đọc là Tôn Thụy, có âm đọc là Tôn Tụy), sinh năm Tự Đức thứ 25 tức năm 1872. Tốn Tùy là con của vua Dục Đức, là chị của vua Thành Thái. Bà được phong làm Mỹ Lương Trưởng công chúa và thường được gọi là Bà Chúa Nhất vào năm Thành Thái thứ 9 tức năm 1897. Sau đó, để giúp không khí thêm phần nhộn nhịp, bà đã thành lập và huấn luyện đội ca vũ tuồng cung đình Huế ở tại phủ của mình. Chính điều này đã tạo nên điểm nổi bật đối với nghệ thuật của cung đình Huế vào khoảng thế kỷ XX. Bà cho đội ca múa biểu diễn trong hoàng cung từ đời vua Thành Thái đến đời vua Duy Tân và Bảo Đại. Bên cạnh đó, bà còn góp công rất lớn trong việc giúp đỡ người già và cô nhi ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ khi đã đứng ra thành lập hội Lạc Thiện. Công chúa Mỹ Lương trải qua hai đời chồng, người chồng thứ hai của bà là Thượng thư Nguyễn Kế và sinh ra một người con gái đặt tên là Nguyễn Thị Cẩm Hà – Thường gọi là Mệ Bông.

Vua Duy Tân
Công Chúa Mỹ Lương tức Bà Chúa Nhất, hoàng trưởng nữ của vua Dục Đức, chị cả của vua Thành Thái tại Huế năm 1931

Mệ Bông được người đời nhận xét là có nụ cười rất hiền. Người ta thường nói Mệ Bông khó, thật ra cũng dễ hiểu thôi, sinh ra trong dòng dõi hoàng gia, phải học biết bao nhiêu nguyên tắc quy củ, cộng thêm sự thăng trầm trong cuộc sống, thử hỏi làm sao mà Mệ Bông không khó cho được. Mặc dù khi nhà báo phỏng vấn bà vào tháng 9 năm 2001 thì bà đã là một bà lão khoảng 90 tuổi, người nhà của bà cũng khá e ngại khi nhận được lời đề nghị phỏng vấn của nhà báo vì Mệ Bông vừa trải qua một trận tai biến mạch máu não, Mệ đã bị bại liệt khoảng 2 năm và khả năng nói chuyện của bà cũng không còn lưu loát như trước. Nhưng khi được phỏng vấn, nhà báo thấy bà bà vẫn là một người rất hay cười và nụ cười ấy thật hiền từ.

Hình ảnh chụp Mệ Bông năm 1936

Cứ ngỡ Mệ Bông không nhớ gì chuyện xưa nhưng thật ra những chuyện ấy đã lưu trữ trong tiềm thức của bà, chỉ đợi khi nhắc lại thì mọi thứ sẽ chực trào ra. Bà còn nhớ ngay sau khi các hoàng tử và công chúa được sách phòng thì sẽ được gọi là Đức Bà, Đức Ông. Thời đó trong phủ của Đức Bà có đến khoảng 50 người bao gồm cả người giúp việc, tài tử và đào hát.

Như đã nhắc đến ở trên, vị lão gia sư khiếm thị chơi nhạc khi đón tiếp nhà báo Mỹ chính là Thầy Cò. Ông ấy có nhiệm vụ huấn luyện các nhạc công về đàn nguyệt, đàn tranh và đàn tỳ bà. Trong đội ca vũ tuồng của phủ Đức Bà thì ông Loan là người chơi trống hay nhất và Mụ Liệu là người ca giỏi nhất. Bên cạnh đó còn có Yến, Quy, Ninh, Thành,… cũng được huấn luyện hằng ngày trong phủ Đức Bà. Khi nhắc đến đội tuồng năm xưa, bà Mệ Bông đã hồi tưởng như vậy đấy.

Bà còn kể thêm, thuở xưa bà rất thích điệu múa Nữ Tướng, đây cũng chính là điệu múa mà vua Thành Thái ưa thích vì nó thể hiện sự tuyệt vọng của vua trong việc không thể cứu đất nước thoát khỏi sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp. Trong điệu múa này, người ta sẽ vấn khăn trên đầu, bên trong sẽ mặc áo bào, bên ngoài khoác áo lá tua (còn gọi là áo mã tiên) và mặc quần chít ba.

Vua Thành Thái

Xuất thân từ gia đình hoàng tộc, lại được ảnh hưởng âm nhạc từ mẫu thân nên Mệ Bông giỏi cả về đàn tranh và ca Huế. Tuy nhiên những điều này bà cũng chỉ tự học để biết chứ thực ra công việc chủ yếu của bà là ở trong cung. Thời đó, những việc lễ nghi, tiếp khách sẽ được tổ mẫu của vua Bảo Đại là bà Dương Thị Thục, tựa Hựu Thiên Thuần Hoàng Hậu, tức Đức Tiên Cung Thái Hoàng Thái Hậu theo dõi. Còn bà Nguyễn Hữu Thị Nhàn, tựa Phụ Thiên Thuần Hoàng Hậu, tức Đức Thánh Cung thì bị thấp khớp nặng nên thường xuyên nằm trong điện nghỉ ngơi. Vì thế từ bé Mệ Bông đã phải thường xuyên vào trong cung để đọc sách và hầu chuyện với bà Đức Thánh Cung. Lúc nhỏ Mệ Bông khá thân thiết với Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy nên bà Đức Thánh Cung khá thương yêu Mệ Bông. Bà Mệ Bông nhớ lại: “Đức Thánh Cung nuông tôi lắm. Mỗi lần tôi vào cung Ngài cho tôi ăn đủ thứ”.

Đức Tiên Cung Thái Hoàng Thái Hậu, bà nội của vua Bảo Đại
Đức Thánh Cung – Chính thất của vua Đồng Khánh

Ở cung đình Huế, Mệ Bông rất nổi tiếng và được biết đến với khả năng quấn khăn vành dây. Khăn của các bà trong cung được làm bằng nhiễu cát mỏng, dài khoảng 10 đến 20 thước tây. Chiều rộng của khăn tầm khoảng 30 đến 45 phân tây, sau khi xếp xong sẽ rộng khoảng 3 phân tây. Dựa vào tước phẩm của các bà sẽ quyết định độ dài của khăn, người nào có tước phẩm càng cao thì khăn quấn càng dài. Khi quấn khăn, người ta sẽ vấn khăn vào tóc và chít vào quanh đầu. Sau đó khăn vành dây sẽ được cuốn tiếp theo và phủ ra ngoài khăn vấn. Việc vấn khăn trên đầu là một lễ nghi vô cùng quan trọng, ngoại trừ lễ đại triều giữ Vua và các triều thần ra thì đối với các lễ nghi khác, những người trong hoàng tộc cũng như các mệnh phụ bắt buộc phải vấn khăn trên đầu. Có bà Bạch Liên là Tam Giai Điềm Tần của vua Khải Định để tránh phải vấn khăn lại nhiều lần, bà đã phải ngủ ngồi nhiều ngày trong các dịp đại kỵ. Phải nói rằng việc vấn khăn trên đầu là nét đẹp của phụ nữ trong cung đình của triều đình Huế xưa nhưng điều đó cũng chính là nỗi khổ đau của các bà. Còn về Mệ Bông, bà rất hãnh diện với tài nghệ vấn khăn của bà vì bà vấn khăn rất nhanh và đẹp, chỉ mất khoảng nửa giờ.

Vua Khải Định trị vì từ năm 1916 đến năm 1925
Vua Khải Định và thái tử Vĩnh Thụy tại Paris năm 1922

Bà Mệ Bông kể lại, thuở xưa Nam Phương hoàng hậu thường xuyên mặc âu phục, nhưng khi mặc triều phục vào các dịp lễ nghi thì Nam Phương Hoàng hậu sẽ cho mời Mệ Bông vào vấn khăn cho bà. Vì tước phẩm của hoàng hậu là cao quý nên khăn của bà rất dài. Bà Mệ Bông còn cho biết thêm các hoàng thái hậu, phi tần và hậu trong cung được chít khăn vấn vàng bên trong khăn vành dây. Còn các công chúa, mệnh phụ thì dùng khăn vành dây màu lam. Thuở đó tóc của Nam Phương Hoàng hậu được uốn theo kiểu phương Tây nên khá ngắn nên Mệ Bông phải cuộn khăn vấn giả trong khăn vành cho Nam Phương Hoàng hậu.

Nam Phương Hoàng hậu vấn khăn vành trong ngày cưới
Vua Bảo Đại

Ngoài tài nghệ vấn khăn nhanh và đẹp thì khả năng nấu nướng của bà cũng thuộc hàng thượng phẩm. Chuyện là vào năm 1953 khi Cựu Hoàng Thành Thái về thăm Huế, khi ở lại phủ bà Chúa, vị Cựu Hoàng này đã chỉ đích danh Mệ Bông nấu ăn cho mình. Bởi vì khi bị Pháp lưu đày ở đảo Reunion, Châu Phi, ông đã được nghe tài nghệ nấu các món Huế của cháu gái mình.

Cũng phải nói thêm, thời xưa tại các buổi yến tiệc thì mới phải bày ra nhiều món để đãi khách nước ngoài và các quan trong triều. Đại yến thì nấu khoảng 60 món, trung yến là 40 món và tiểu yến là 30 món. Còn đối với các món ăn hằng ngày của vua thì đơn giản hơn, quy định không được vượt quá 2.5 quan tiền. Mệ Bông còn cho tiết lộ rằng những thực phẩm quý hiếm từ ngoại quốc tặng thì vua sẽ không đụng đến vì sợ bị đầu độc. Hầu hết những thực phẩm quý hiếm đó sẽ được đem tặng cho quan lại hoặc cung nữ, thái giám.

Từ những năm 1884 – 1885, vua Hàm Nghi không thích những món được làm từ mắm vì nó có mùi. Nhưng đến năm 1889 – 1907, do vua Thành Thái có một thời gian sinh sống như thường dân nên ông hiểu rõ và khá thích món mắm dân dã này. Còn về phần vua Bảo Đại, ông ấy rất thích ăn món mắm tôm chua của Mệ Bông làm mặc dù ông cũng là người không thích các món mắm lắm. Sở dĩ bà Mệ Bông nấu ăn ngon như thế là vì bà có những cách nấu riêng đối với các món ăn của bà. Ví dụ khi làm món mắm tôm chua, ngoài những gia vị thường có như riềng, tỏi, đường, ớt thì bà sẽ sử dụng nước mắm thay cho muối. Hoặc khi nấu ăn trong cung, bà sẽ thay nước mắm bằng xì dầu.

Vua Hàm Nghi không thích ăn những thức ăn được làm từ mắm

Bà Mệ Bông Còn kể lại rằng từ xưa Nam Phương Hoàng hậu chỉ ăn món Tây và Hoàng đế Bảo Đại thì ăn theo Hoàng hậu. Trong cung, người phụ trách nấu các món Âu là ông Lợi người Bắc và ông Nghĩa người Quảng Nam. Còn khi những buổi tiệc mà cần đến món Việt thì Mệ Bông sẽ vào cung phụ nấu chung với Má Thống và Má Tròn. Hai người này phụ trách chính là nấu các món Huế trong cung. 

Với những bí mật trong thâm cung, nay bà Mệ Bông cùng tiết lộ chút đỉnh. Đó là vua Khải Định trong thời gian trị vì từ năm 1916 đến năm 1925 thật ra không gần gũi với nội cung cho lắm nhưng trong cung vẫn phải đủ hai vợ và các cung nữ đi kèm để đủ tam cung lục viện. Ngoài ra, khi các bà trong cung gây hấn, cãi cọ với nhau, ngự y sẽ cho họ ăn món ăn có tác dụng an thần là cá bống thệ kho khô với tiêu, rau răm, đường, nước mắm, nước thắng đường. Còn nữa, vua Bảo Đại rất thích món ăn cá bống đó vì ông thích ăn cá hơn ăn thịt, ông cũng tương đối thích ăn rau và tuyệt nhiên ông chỉ ăn gà chứ không ăn thịt vịt.

Tài nấu nướng của Mệ Bông không chỉ thuyết phục được Cựu Hoàng Thành Thái mà ngay cả vua Bảo Đại cũng rất thích ăn món cá mục kho của Mệ Bông làm. Tương tự như cách nấu thông thường, bà Mệ Bông sẽ rửa sạch cá rồi ướp với nước mắm, đường, ớt trong khoảng gần một tiếng đồng hồ rồi sẽ kho. Khi kho bà không cho nhiều nước mà sẽ nấu trong nồi đất, để lửa riu riu cho nước trong cá khô lại sền sệt. Vua Bảo Đại còn thích món rau dền luộc chấm nước mắm. Tuy nhiên nước mắm phải đích thân do Mệ Bông nấu thì vua Bảo Đại mới ăn nhiều. Bà Mệ Bông tiết lộ công thức làm món nước mắm ấy như sau. Mệ sẽ hầm cá nục với mắm ruốc rồi chắt ra lấy nước, trộn với đường, ớt. Vậy là đã có món nước mắm chấm rau rất đậm vị, loại nước mắm này có thể dùng để chấm bánh nậm, bánh bèo, bánh bột lọc,…

Mệ còn nhớ nhiều thứ lắm. Chẳng hạn vào thời vua Khải Định, các cung nữ mỗi lần tới tháng sẽ được xuất cung một tuần. Còn các bà phi tần thì chỉ đành chịu trận ở khu Phụng Trực đằng sau điện Phụng Tiên. Còn tiếp theo đó chuyện gì xảy ra thì Mệ Bông im bặt, bà không nói thêm mà chỉ cười.

Sau khi nhà Nguyễn không còn vào năm 1945 thì cuộc sống sung túc ở phủ Bà Chúa Nhất vẫn còn được tồn tại thêm một chút, chỉ có điều bổng lộc không còn nữa. Tuy nhiên điều đó cũng không tồn tại được lâu vì các Đức Bà, Đức Ông đã dấn thân vào con đường cờ bạc. Đối với Mệ Bông, bà vẫn thích thời gian tồn tại của triều nhà Nguyễn vì nơi đây đã từng có rất nhiều kỷ niệm với bà. Còn sau khi triều đại nhà Nguyễn kết thúc, mọi chuyện đã thay đổi quá nhiều, vốn dĩ cuộc sống ấm êm trong phủ sẽ còn tồn tại lâu dài nhưng bài bạc đã khiến điều đó lụi tàn. Vậy nên sau này bà Mệ Bông khuyên mọi người đừng nên đánh bạc.

Năm 1948, chồng của Mệ Bông bị chính trị cướp đi, bà cũng không tái giá mà ở vậy nuôi đứa con gái duy nhất của hai vợ chồng. Mệ còn nói bà Từ Cung Hoàng thái hậu nghiêm khắc lắm nhưng Mệ vẫn hay vào chơi với bà. Khi nào hoàng thái hậu cần vấn khăn hay nấu nướng thì Mệ vẫn sẵn lòng giúp đỡ.

Mệ Bông và phu quân
Đức Từ Cung, là vợ vua Khải Định và là mẹ vua Bảo Đại
Hình ảnh chụp Đức Từ Cung tại Huế năm 1972

Sau khi phu quân mất, bà đã rất đau khổ. Những tưởng mọi chuyện sẽ dừng lại ở đó, bà sẽ được sống sung túc bên đứa con gái thân yêu. Thế nhưng một biến cố đã xảy ra vào năm 1954, con gái của bà đột nhiên biến mất vào năm 18 tuổi. Bà vào tận Sài Gòn để tìm con nhưng không thấy đứa con gái yêu quý đâu, bà dường như thất vọng và trở nên điên loạn. May sao hai năm sau, đứa con gái của bà gửi thư về báo bình an và nói rằng do cô ra Hà Nội để tìm cha nhưng không tìm thấy cha và bị kẹt lại ở Hà Nội.

Mệ Bông và con gái

Khi triều đại nhà Nguyễn suy tàn thì cung An Định vẫn còn ở An Cựu, Đức Từ Cung và các mệnh phụ vẫn còn được chơi mạt chược, tứ sắc,… Tuy nhiên sau này tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh đưa các tài sản của cung An Định trở thành tài sản của nhà nước. Vì vậy Từ Cung hoàng thái hậu phải mua biệt thự ở gần đấy sống qua ngày. Còn về phần Mệ Bông thì phải vào Sài Gòn để chăm nom các buổi tiệc trong dinh Độc Lập. Tuy rằng Mệ không phải nấu mà chỉ lên chương trình và chỉ đạo các đầu bếp nấu nướng. Nhưng chắc hẳn Mệ vẫn nhớ những giây phút nấu ăn ở cung đình Huế xưa. Tuy nhiên từ khi vào Sài Gòn đến giờ, bà không trở về Huế thêm một lần nào nữa.

Cổng An Định Cung ở Huế xưa

Sau năm 1975, khi đất nước đã hoàn toàn được giải phóng, con gái bà đã vào Sài Gòn để tìm bà. Lúc này bà vui mừng khôn xiết, từ đó trở đi, bà sống yên bình với con cháu. Lần vấn khăn cuối cùng của bà là vào năm 1985 khi người cháu gái của bà kết hôn, bà đã đích thân vấn khăn cho đứa cháu gái yêu quý của bà. 

Mệ Bông là một nhân chứng sống của lịch sử, cuộc đời của bà cũng đã trải qua nhiều thăng trầm và bà cũng đã đón nhận nhiều thông tin. Những thông tin mà bà không muốn biết, không muốn nhớ lại nhưng không thể không nhớ đó là sự ra đi của những người yêu quý của bà. Năm 1963, Nam Phương Hoàng hậu mất ở Pháp. Năm 1964, Bà Chúa Nhất mất. Năm 1978, chính thất của vua Khải Định là bà Ân Phi mất. Năm 1980, vợ của vua Duy Tân, bà Hoàng quý phi Mai Thị Vàng mất. Năm 1980, Hoàng thái hậu Từ Cung cũng ra đi. Vua Bảo Đại cũng mất tại Pháp vào năm 1997.

Diệu phi Mai Thị Vàng, vợ của vua Duy Tân khi còn trẻ và lúc về già

Mặc dù tỉnh dậy sau trận tai biến mạch máu não, nhưng khi nhà báo đến phỏng vấn, bà có thể ngồi dậy để mặc áo mệnh phụ tứ thân và chụp hình kỷ niệm cùng con cháu. Nhiều người xung quanh chỉ biết có một bà lão ở trong nhà, thỉnh thoảng mua bánh mì ăn chứ không ai biết thân phận thật sự của bà. Đến ngày 19/9/2001, vị chứng nhân lịch sử cuối cùng của triều nhà Nguyễn Mệ Bông qua đời. Đó là sự xót thương rất lớn đối với con cháu cũng như những ai yêu mến Mệ Bông – Nguyễn Thị Cẩm Hà.

Hình ảnh bà Mệ Bông năm 2001

Viết một bình luận