Chuyện về ăn uống của các vua trong triều đại nhà Nguyễn xưa cầu kỳ như thế nào?

Người xưa có câu: “Có thực mới vực được đạo” để nói lên sự quan trọng của việc ăn uống. Khi ăn uống đầy đủ thì cơ thể sẽ tràn đầy năng lượng để có thể vượt qua được mọi thứ. Nói một cách dân dã thì là như thế, nhưng trong đời sống vua chúa của triều đại nhà Nguyễn xưa thì việc ăn uống có phần phức tạp chứ không đơn giản chỉ là việc nấu vài món mặn, món canh, cơm trắng ăn mỗi ngày của thường dân mình.

Một ngày có 3 bữa chính sẽ do bộ phận lo chuyện bếp núc trong cung làm cho vua. Nếu tính theo thời gian 24 giờ hiện nay thì bữa sáng của vua sẽ được dọn vào lúc 6 giờ 30 phút, bữa trưa là 11 giờ và buổi tối là 17 giờ. Còn các bữa ăn phụ sẽ được xen kẽ vào các buổi. Về phần yến tiệc trong cung thì sẽ nấu nhiều hay ít món tùy vào quy mô của bữa tiệc. Còn cúng tế thì sẽ được cúng quanh năm.

Việc nấu nướng trong cung sẽ được chia cho 2 sở để lo chuyện này. Một là sở Lý Thiện khoảng 350 người. Hai là Thượng Thiện có từ thời vua Minh Mạng với số lượng khoảng 50 người. Trong đó, bộ phận Lý Thiện chủ yếu phụ trách việc nấu tiệc tùng, đám giỗ của triều đình. Họ là người Phước An ở Huế. Đồng thời còn có một chỗ ở riêng dành cho người làm việc trong bộ phận Lý Thiện. Còn bộ phận Thượng Thiện chủ yếu là để phục vụ bữa ăn cho vua và bộ phận này nằm trực tiếp trong Hoàng thành Huế. Trong Thượng Thiện, mỗi người sẽ đảm nhiệm một công việc khác nhau và phải chỉn chu trong từng khâu cho đến khi bày món ăn ra cho vua dùng bữa.

Vì đây là bữa ăn dành cho vua nên mọi công đoạn phải được chuẩn bị một cách kỹ càng từ khâu vót đũa, vót tăm cho đến quết thịt nạc, làm tré. Quan trọng là công đoạn đi chợ và nấu ăn phải được chuẩn bị kỹ càng. Thịt cá dùng để chế biến món ăn cho vua phải thuộc loại thượng hạng ngon nhất. Gạo nấu cơm cho vua phải chọn nguyên hạt và thuộc giống tốt, được trồng nhiều ở phía Nam của kinh thành Huế. Không những gạo phải được chọn loại hạt đẹp nhất mà nước dùng để nấu cơm và pha trà cũng phải là loại nước tinh khiết nhất. Loại nước này phải được lấy từ giếng Hàm Long nằm dưới chân chùa Báo Quốc thì mới đảm bảo được độ trong và sạch để nấu nướng cho vua. 

Khi nấu cơm và nấu thức ăn thì phải dùng nồi đất đặc biệt được sản xuất bởi những nghệ nhân tài giỏi tại huyện Phong Điền – Huế, và nồi đất đó được làm riêng cho hoàng cung, không nơi nào có thể sở hữu loại nồi đất này. Khi những nghệ nhân làm xong nồi đất thì sản phẩm sẽ được đưa vào hoàng cung và người quản lý bếp núc sẽ trụng nồi đất vào nước trà xanh đang sôi sùng sục cho đến khi mặt ngoài của nồi đất có một lớp xanh lá nhẹ thì sẽ vớt ra và cất vào kho. Tuy việc trụng rồi vớt nồi đất kỳ công là thế nhưng sau khi vua dùng cơm xong thì nồi đất ấy sẽ bị đập bỏ. Việc nấu nướng cho vua phải đảm bảo độ sạch sẽ tuyệt đối, chỉ cần dính một chút hạt sạn hay sợi tóc vào thức ăn thì cả bộ phận Thượng Thiện sẽ bị phạt. Ngoài ra những đồ dùng trong cung chỉ có vua và các phi cung được dùng, còn quan và dân thì tuyệt đối không được đụng vào.

Đến khâu chuẩn bị đũa cũng phải tươm tất, đũa được vót từ những cây tre già. Người chịu trách nhiệm vuốt đũa phải vuốt sao cho đều, một đầu to và một đầu nhỏ, đôi đũa sau khi vuốt xong phải đảm bảo độ láng, không có tre thừa. Tiếp đó đũa sẽ được bỏ vào nồi hấp và cất vào kho dùng dần như nồi đất.

Sau khi dùng cơm xong thì phải “làm sạch” răng. Người ta tiếp tục dùng tre già để vót “tăm bông”. Cây tăm dài khoảng cây bút bi hiện tại, có 1 đầu nhỏ ngọn và đầu còn lại sẽ được đập dập cho cây tăm “toe” ra. Đầu nhọn dùng để xỉa răng còn đầu lớn có chức năng “làm đẹp” cho răng. Bởi vì ngày xưa các bà trong cung có tục nhuộm răng đen, khi xỉa răng và uống nước xong thì sẽ dùng đầu tăm toe ra để chà răng, sau đó nhúng đầu bông ấy vào một loại nước màu đen để chà lên răng giúp răng luôn bóng đẹp.

Hình ảnh vua Khải Định dùng cơm

Ở trong các đời vua triều Nguyễn xưa thì có vua Duy Tân và vua Bảo Đại là dùng cơm cùng với vợ, còn các vua còn lại sẽ ngồi dùng cơm một mình. Khi vua ăn cơm sẽ được gọi là “ngự thiện” hoặc “Ngài ngự thiện”. Nếu cần người trò chuyện cùng thì vua sẽ cho gọi hai quan là quan văn và quan võ vào hầu chuyện. Đối với quan văn thì có cấp bậc từ tứ phẩm trở lên, còn quan võ thì ít nhất là quan tam phẩm. Người được vua gọi vào hầu chuyện sẽ được gọi là “chầu thiện”. Khi vào cung sẽ được vua ban tọa được ngồi trên bàn hay ngồi tại sập cách vua một khoảng sao cho vẫn có thể đối thoại với nhau. Còn đối với quan chức nào được vua ưu ái hơn thì sẽ được “ban thiện”, nghĩa là ban cho mâm cơm riêng, cũng ở khoảng cách cho phép và vừa ăn, vừa hầu chuyện với vua.

Khi vua dùng bữa mà muốn không khí đỡ buồn tẻ thì sẽ sai ban nhạc trong cung chơi đàn để không gian có tiếng đàn du dương, nhẹ nhàng.

Thức ăn cho vua phải được bịt giấy kỹ càng và buộc cẩn thận. Tên món ăn sẽ được dán ở bên ngoài, nếu vua thích ăn món nào sẽ mở món đó. Ngoài ra, vua sẽ ban thức ăn cho cung phi nào mà vua sủng ái nhất hoặc các quan đại thần mà vua tin tưởng. Khi nhận được thức ăn do vua ban, họ phải đưa thức ăn hướng về phía cung của vua mà qùy vái để biểu lộ sự biết ơn về phúc phần mà vua ban cho.

Sau khi dùng bữa xong, vua sẽ tráng miệng bằng các món nhẹ như mứt, bánh, trái cây,… Những món ăn này đều được các bà trong cung chuẩn bị để lấy lòng vua. Khi vua chọn món nào của ai thì người đó sẽ được lấy làm vinh hạnh, còn những món ăn tráng miệng mà vua không dùng sẽ được ban tặng cho mọi người.

Thức ăn trong cung đa dạng từ đơn giản đến phức tạp. Một số vua Nguyễn thích ăn món xa hoa nhưng cũng có một số vua chỉ ăn uống đơn giản. Thậm chí vua còn ăn uống như dân thường với cung cách vô cùng giản dị và gần gũi. Trong danh sách những món ăn của vua còn có cả món ruốc, cháo trắng, rau muống luộc,… 

Chẳng hạn như vua Gia Long, ông có thói quen ăn uống đơn giản. Buổi sáng ông sẽ dùng bữa với cháo trắng, khi nào có việc ra ngoài cung thì ông sẽ dùng cơm với thịt, cá, rau,… bình thường như quan thần của mình mà không cần phải rườm rà việc vót đũa, chọn thịt cá gạo ngon gì cả.

Cả vua Duy Tân cũng thế, do từ bé ông đã sống lam lũ cùng mẫu thân ở ngoài cung nên ông ăn uống không khác gì dân thường. Ông thích nhất là món cá bống kho khô đến nỗi khi lên làm vua ông cũng sẽ ăn món này khi dùng bữa. Khi ăn cơm, ông sẽ cho mời thầy của mình là Mai Khắc Đôn đến để chầu thiện. Đến sau này khi lấy con của thầy là bà Mai Thị Vàng, vua Duy Tân cũng ăn cơm cùng với vợ.

Còn vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn – vua Bảo Đại thì có hai cách ăn uống khác nhau là trước khi lấy vợ và sau khi lấy vợ. Trước khi lấy Nam Phương Hoàng hậu, vua cũng dùng những món trong cung đình do Thượng Thiện làm như ruốc kho, mắm, canh cá bống,… Nói chung là những món ăn đậm vị Việt Nam. Sau khi ông lấy Nam Phương Hoàng hậu thì ông ăn theo bà. Tất cả vật dụng được làm theo phong cách nước ngoài, ông cùng vợ và các con dùng bữa theo cách người Pháp và ông cũng uống rượu Pháp.

Cũng phải nói thêm rằng, vua Bảo Đại trước khi lấy vợ cũng thích ăn những món ăn có hương vị Việt Nam. Tuy nhiên ông lại không thích những món ăn được làm từ mắm, nhưng duy nhất món mắm tôm chua của Mệ Bông làm thì ông lại rất thích vì bà có cách nấu không giống mọi người nhưng lại cho ra hương vị thơm ngon tuyệt vời. Mệ Bông cũng xuất thân từ dòng dõi quý tộc và bà rất tài giỏi trong tất cả mọi việc từ nấu ăn, múa, vấn khăn,… bà đều sành sỏi. Món mắm tôm chua của bà là món mắm duy nhất được vua Bảo Đại yêu thích.

Sau này khi triều đại nhà Nguyễn suy tàn, vua Bảo Đại sang bên Pháp, Thượng Thiện và cả Lý Thiện đều không còn nữa. Thế nhưng những văn hóa của triều Nguyễn xưa vẫn còn được lưu giữ trong tâm khảm của nhiều thế hệ trước.

Viết một bình luận