Chuyện về cung phi Bạch Ngọc – Người đã giúp ích rất nhiều cho khởi nghĩa Lam Sơn

Cung phi Bạch Ngọc tên thật là Trần Thị Ngọc Hào (có thông tin ghi là Ngọc Hòa), bà là người làng Tri Bản, huyện Thổ Hoàng (nay là xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Sinh thời bà là người đức hạnh đoan trang, đến tuổi cập kê, bà được tuyển vào cung làm phi tần của vua Trần Duệ Tông, sau được gọi cung phi Bạch Ngọc. Bà là hoàng hậu của Duệ Tông Hoàng đế và sinh hạ cho ông được cô công chúa tên là Trần Thị Ngọc Hiền hay còn gọi là công chúa Huy Chân. 

Quang ảnh chùa Am – Nơi cung phi Bạch Ngọc lui về tu hành ở ẩn

Duệ Tông Hoàng đế tên thật là Trần Kính, là con thứ 11 của vua Trần Minh Tông. Sinh thời ông trị vì giang sơn từ năm 1372 cho đến năm 1377 thì băng hà vì tử trận trong trận chiến Chiêm Thành.

Vua Trần Duệ Tông mất mạng nơi sa trường

Cuối thời nhà Trần, vua không còn dùng niềm tin tín ngưỡng, phẩm hạnh đạo đức để trị vì sang sơn nữa. Vì thế nhà Trần ngày càng suy sụp, quan viên trong triều thì tham vinh hoa phú quý, không còn chăm lo cho đời sống nhân dân khiến đất nước ngày càng đi xuống.

Vào thời vua Trần Nghệ Tông, vua nước Chiêm là Chế Bồng Nga chiếm đánh Đại Việt, cướp bóc của cải khiến nhân dân ta rơi vào cảnh lầm than. Sau này khi đã lên làm Thượng Hoàng, em trai của vua Nghệ Tông là Duệ Tông lên ngôi. Vua Duệ Tông là người có chí hướng nhưng lại háo thắng. Ông ít màng đến vấn đề trị quốc mà lại quan tâm đến việc đánh quân Chiêm Thành. Mặc cho quan viên trong triều khuyên ngăn, ông vẫn chỉ huy 12 vạn quân để đánh nước Chiêm. Khi đến nơi, ông vẫn không nghe sự khuyên ngăn của tướng Đỗ Lễ. Đồng thời, vua Duệ Tông cậy mình quân đông nên không có sự tính toán kỹ càng trong việc điều binh. Kết quả, vua Duệ Tông bị trúng kế gian của vua nước Chiêm Thành. Cuối cùng vì sự bồng bột của Duệ Tông hoàng đế mà toàn bộ quân nhà Trần đã bị thua thảm bại, còn ông thì bị tử trận nơi sa trường.

Cung phi Bạch Ngọc trở lại dân gian

Hay tin vua Duệ Tông mất, cung phi Bạch Ngọc lòng đau như cắt. Thượng Hoàng Nghệ Tông cho con của vua Duệ Tông lên ngôi vua, lấy hiệu Giản Hoàng đế. Sau khi vua Duệ Tông qua đời, quân Chiêm Thành ngày càng hống hách, nhiều lần đem quân ra vô thành Thăng Long mà không kiêng dè. Nhân lúc loạn lạc, quan viên triều nhà Trần lần lượt đem của cải chạy trốn khỏi kinh thành.

Vào thời Giản Hoàng Đế có một quan tên là Hồ Quý Ly. Ông nhất mực được thượng hoàng Nghệ Tông tin tưởng dù cho các quan trong triều ra sức can ngăn. Năm 1387, Hồ Quý Ly được phong chức Đồng bình chương sự (hay còn gọi là Tể tướng). Thấy thế, Giản Hoàng đế cùng các tâm phúc trong triều tìm cách diệt trừ Hồ Quý Ly. Tuy nhiên, với sự gian trá và ranh mãnh, Hồ Quý Ly ngay lập tức tấu lên Thượng Hoàng Nghệ Tông. Thượng Hoàng nghe lời Hồ Quý Ly, phế truất ngôi vua, ép Giản Hoàng đế thắt cổ tự tử. Ngoài ra, Thượng hoàng còn hạ lệnh dẹp hết tất cả các quan tướng tâm phúc của Giản Hoàng đế. Diệt trừ được mối hại nguy hiểm nhất, Hồ Quý Ly ngày càng tác oai tác quái. Đến năm 1395, Thượng Hoàng qua đời, nghiễm nhiên tất cả quyền hành rơi vào tay Hồ Quý Ly. Từ đó trở đi, đất nước qua một trang sử mới. 

Về phần cung phi Bạch Ngọc, bà nhận thấy mọi chuyện trong cung đã không còn cách cứu vãn. Mọi thứ đang dần mất kiểm soát, tai họa có thể ập đến bà và người thân bất cứ lúc nào. Vì vậy, bà đã bàn với hai người huynh là Trần Đạt và Trần Duy để tìm cách trốn khỏi cung. Sau đó bà dẫn theo con gái là công chúa Huy Chân và gia quyến trốn thoát khỏi kinh thành đến Đức Quang, Nghệ An. Bà quay trở lại dân gian, lấy tên Trần Thị Ngọc Hào. Gia quyến hơn 500 người của bà sau khi đi khỏi kinh thành đã cùng nhau đi suốt hành trình 50 ngày gian khổ, nhiều người đã phải bỏ cuộc vì kiệt sức. Ngọc Hào cùng đoàn người còn lại chọn một thâm sơn cùng cốc ở Sơn Trà để dừng chân.

Bắt đầu sự khai phá của vùng đất hoang

Vùng đất Ngọc Hào dừng chân là nơi hoang sơ chưa ai khai phá. Bà cho người làm cải tạo đất thành ruộng vườn. Đồng thời gọi thêm người đến sinh sống và làm ruộng. Dần dà số lượng 500 người đã trở thành 3000 người cùng nhau khai hoang và lập làng xóm. Từ đó trở đi, vùng đất Hương Sơn, Hương Khê và Đức thọ đã trở thành một nơi rộng lớn, đất đai màu mỡ. Phụ nữ thì làm lụng, trai tráng thì luyện võ, rèn vũ khí để bảo vệ thôn làng.

Hai ngôi chùa Diên Quang (chùa Am) và Tiên Lữ (chùa Lã) được dựng lên bởi bà Ngọc Hào và con gái Ngọc Hiền. Hai mẹ con vì không muốn màng đến quá khứ nên đã ẩn đi thân phận. Từ đó trở đi, trong dân gian chỉ còn người tên Ngọc Hào và Ngọc Hiền chứ không còn cung phi Bạch Ngọc và công chúa Huy Chân nữa.

Năm 1400, Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần, lập ra nhà Hồ. Tuy nhiên đến năm 1407, quân Minh đã bắt hai cha con Hồ Quý Ly đồng thời quân Minh cũng chiếm và cai quản vùng Giao Chỉ.

Tiếp tế lương thực cho nhà Hậu Trần

Cuộc chiến lại một lần nữa nổ ra. Nhà Hậu Trần đứng lên khởi nghĩa chống quân Minh. Để giúp đỡ nhà Hậu Trần, Ngọc Hào đã tiếp tế lương thực cho quân của nhà Hậu Trần.

Tuy nhiên, nội bộ của nhà Hậu Trần nhiều lần lung lay khiến cho trận đánh quân Minh bị vụt mất cơ hội chiến thắng. Cuối cùng, quân Hậu Trần bị thua. Trùng Quang, Đặng Tất và Nguyễn Súy phải nhảy xuống sông tự vẫn.

Quân Minh biết việc mẹ con Ngọc Hào đứng đằng sau chuyện tiếp tế lương thực bèn cho người quấy phá, cướp bóc. Để tránh sự truy bắt của quân Minh, bà chuyển gia đình đến phía bắc sông La, nơi con sông Ngàn Sâu, đất Thịnh Quả, núi Thiên Thuận để lánh nạn. 

Tiếp tế lương thực cho nghĩa quân Lam Sơn

Năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn tiến đánh Nghệ An. Bà Ngọc Hào được tướng Bùi Bị nhận ra nên đã mời bà yết kiến chủ tướng Lê Lợi. Sau khi hỏi ý kiến con gái, bà quyết định ủng hộ Lê Lợi vì cho rằng đây là ý trời, nhà Trần giờ đây không thể gánh vác trọng trách cứu đất nước được nữa.

Sau khi đã quyết tâm ủng hộ Lê Lợi, bà đã dốc lòng giúp đỡ rất nhiều cho quân nhà Lê bằng việc cung cấp lương thực. Đồng thời bà cho trai tráng trong làng ấp đi tòng quân đánh giặc. Ngoài ra bà còn gả con gái cho Lê Lợi làm thiếp. Phải nói rằng bà vô cùng tin tưởng tướng Lê Lợi.

Năm 1428, sau khi đã quét sạch nhà Minh, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu Lê Thái Tổ. Ông hạ lệnh ban thưởng cho tất cả những ai có công, trong đó có cả Ngọc Hào. Thế nhưng bà là người không màng vinh hoa phú quý. Thay vì nhận thưởng, bà đã từ chối và xin về quy ẩn tại chùa Am, nơi bà đã khai hoang để tu hành. Tránh xa khỏi hồng trần, bà tu hành và sống đến hơn 100 tuổi. Sau khi bà tạ thế, nhiều người ở trong làng nơi vùng đất bà khai hoang đã tôn thờ bà làm Thành Hoàng.

Chùa Am – Nơi cung phi Bạch Ngọc quy ẩn

Viết một bình luận