Cuộc đời và sự nghiệp của Vua Bảo Đại – Kỳ II: Hoàng Đế của hai “triều đại” liền kề

Hoàng đế Đại Nam (1925 – 1945)

Ngày 10 tháng 9, Nhà Vua ra quyết định nhằm vào những tập tục lâu đời mang tính hình thức đang cột chặt lối sống và nếp nghĩ của Triều đình. Vị vua hai mươi tuổi chủ toạ buổi chầu truyền thống trong đó các vị quan lại đầu ngành trong bộ máy hành chính nhà nước đến chúc mừng Nhà vua mới trở về sau một thời gian dài vắng mặt.

Trước hết, Vua phát biểu bằng tiếng Pháp. Điều này đã xúc phạm các vị quan trẻ có tinh thần dân tộc lẫn các vị quan lớn tuổi thấm nhuần nền văn hoá Trung Hoa. Bảo Đại đã cải cách công việc trong triều như sắp xếp lại việc nội chính, hành chính. Ông đã cho bỏ một số tập tục mà các vua nhà Nguyễn trước đã bày ra như thần dân không phải quỳ lạy mà có thể ngước nhìn vua khi lễ giá tới, mỗi khi vào chầu các quan Tây không phải chắp tay xá lạy mà chỉ bắt tay vua, các quan ta cũng không phải quỳ lạy.

Vua Bảo Đại khi lên ngôi

Trong thời gian vua vắng mặt, các bà nội, bà ngoại của vua, thái hoàng thái hậu – mê mải cờ bạc, đã chi tiêu những khoản tiền quá lớn. 25 nghìn đồng bạc trong quỹ riêng của Nhà vua đã phải trích ra để trả nợ mà vẫn không đủ. Rồi các bà đòi thăng quan tiến chức cho những người được các bà che chở. Đứng đầu chủ nợ lại là một ông lão nguyên là người đứng đầu Hội đồng thượng thư (Nội các).

Bảo Đại muốn xoá bỏ những thói hối lộ trong bộ máy cai trị của triều đình và đổi mới các quy tắc thừa hưởng của người Trung Hoa. Ông tin ở hiệu năng của cuộc cải cách. Ông áp dụng không băn khoăn do dự những biện pháp do ông khâm sứ Chatel đã soạn thảo công phu và còn tự mình bổ sung những điểm mới. Nhà Vua cho giảm bớt các lễ thức chào hỏi cung kính, tôn thờ. Bớt những đồ đạc bài trí chỉ gây tò mò mà vô bổ. Bỏ hẳn thói quen để móng tay dài quá mức, để râu dài ở các cụ cao tuổi, chỉ dám nhìn dưới đất chứ không ngẩng mặt lên nhìn vào người đối thoại. Bỏ cả thói quen chọc tiết khi giết mổ bò.

Xa giá vua Bảo Đại ngày đăng quang từ điện Cần Chánh lên điện Thái Hòa.

Ngày 19 tháng 9 năm 1932, Bảo Đại ra đạo dụ số một tuyên cáo chấp chính và khẳng định chế độ quân chủ Đại Nam hoàng triều. Văn bản này hủy bỏ “Quy ước” ngày 16 tháng 11 năm 1925 lập ra sau khi Khải Định mất không lâu. Từ nay Nhà vua sẽ quản lý công việc đất nước, quan tâm đến bước tiến của đế chế. Nhà cầm quyền bảo hộ Pháp hoan nghênh. Trước đây việc cai trị do một hội đồng được người Pháp bổ nhiệm, vì vậy hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền bảo hộ Pháp. Vua không tham dự công việc của hội đồng, không dính líu vào các quyết định và chỉ giới hạn trong vai trò thuần tuý trang trí.

Thực tế, một điều khoản mới quy định Khâm sứ Trung Kỳ do Paris bổ nhiệm có quyền phủ quyết mọi quyết định của Nhà vua ngay cả đối với quyết định ít quan trọng nhất. Vậy là bộ máy lãnh đạo đất nước vẫn y nguyên. Hơn nữa quan chức người Pháp có chân trong nội các – hội đồng thượng thư – có thể đồng ý hay không đồng ý với quyết định của nội các tức là ông ta quyết định mọi việc. Trái lại, những biện pháp cải cách này dần dà sẽ như là một bước lùi so với hiệp ước bảo hộ năm 1884.

Chỉ mấy tháng sau ngày trở về, Bảo Đại đã có chuyến đi thăm các tỉnh trong xứ An Nam (một việc trước đây các Hoàng đế tiền nhiệm chưa bao giờ làm). Nhà vua tuyên bố thẳng không chút quanh co úp mở rằng ông có ý định một mình cầm quyền không cần thủ tướng, qua đó muốn nói lên ý muốn nắm quyền thực sự chứ không chỉ bằng lòng với vai trò danh dự. Một vài biện pháp canh tân, ít quan trọng, mức độ vừa phải đã được Bảo Đại đề ra. Ông cố gắng thay đổi phương hướng hoạt động của nền cai trị cũ, cải tổ giáo dục, thông qua bộ luật hình sự và dân sự mới, đưa đất nước dần dần đi đến một nền quân chủ lập hiến. Đặc biệt ông cải tổ Viện dân biểu Trung Kỳ. Chủ tịch Viện được tham gia các cuộc họp nội các. Sau cùng ông cải tổ chế độ quan trường, gây nên sự chống đối của Ngô Đình Diệm.

Các khoản thuế đều do nhà nước bảo hộ Pháp phân bổ, thu và tự ý sử dụng. Điều này ở Bắc Kỳ đã thi hành từ lâu rồi. Toà Khâm sứ Trung Kỳ sẽ ấn định ngân sách chi tiêu của chính phủ Nam triều và trợ cấp cho triều đình một khoản tiền để trả lương hàng tháng. Tất cả những người Nhà vua đã gặp từ khi về nước, những người phục vụ, những người lính hộ vệ hoàng cung, những nhạc công và vũ nữ nhã nhạc cung đình đều chỉ sống bằng một khoản lương có chữ ký duyệt của một quan chức bảo hộ. Tất cả đều do người Pháp trả lương.

Nhà vua có một khoản phụ cấp hàng năm tính vào ngân sách của Trung Kỳ mà chính ông cũng không được quyền quyết định phụ cấp ấy là bao nhiêu và hàng tháng phải có chữ ký duyệt của Toà Khâm sứ Pháp mới được lĩnh để chi dùng. Kể cả các khoản chi tiêu cá nhân. Bảo Đại vì tính tự trọng danh dự không bao giờ dám trực tiếp khiếu nại điều gì. Ông chỉ hé lộ qua người khác, những nhu cầu, ý muốn của ông. Kế toán thuộc địa tỉ mỉ đến từng chi tiết. Hồ sơ lưu trữ còn giữ lại dấu tích của các cuộc đấu tranh đó nhiều khi rất khốn khổ. Từ việc đóng sách, làm khung ảnh đến làm một cuốn sưu tập tem thư tại một cửa hiệu nổi tiếng của bà Renoux nào đó ở Hà Nội cũng đều được ghi chép trong sổ sách. Bảo Đại muốn đóng một tập album thật sang ngoài bìa khảm da, bên trong lụa vàng để lưu giữ các huy hiệu của ông. Chi phí hết 250 đồng bạc cũng phải làm tới ba tờ hoá đơn có chữ ký của viên chức nhà nước bảo hộ Pháp cùng trao đổi với giám đốc tài vụ, cuối cùng mới được duyệt chi, tính vào mục 20 khoản 2 của tổng ngân sách ghi rõ mục quà tặng ngoại giao. Việc đi lại giao du với các cận thần trong triều cũng không được tự do thoải mái. Nhà vua trẻ héo hắt dần, tự giam mình trong tư thất, chỉ còn chăm chỉ giao du với ông bà Charles sống trong tư dinh Điện Kiến Trung.

Nhà vua cam kết tôn trọng các thoả ước ngoại giao hiện hành với nước Pháp. Nếu ông ta không tôn trọng các điều khoản đã ký tức là bị “coi như từ bỏ vương quyền”.[10] Nói một cách khác nếu Nhà vua không đồng ý với Toàn quyền Pháp, dù là trong phạm vi điều hành việc nước cho đến mua bộ khuy bấm cổ tay áo sơ mi, thì ông có thể sẽ bị người Pháp truất ngôi.

Bảo Đại nhận ra rằng điều thay đổi nhiều nhất là các thói quen của bản thân và gia đình ông. Đó là hậu quả đầu tiên và chủ yếu của nhiều năm học tập ở châu Âu. Ông thiết lập những tục lệ mới. Khi mùa mưa đến, ông tránh không khí ẩm thấp ở Huế, đi Đà Lạt để được hưởng khí hậu mát mẻ dễ chịu ở vùng núi cao. Ông cho xây dựng ở Đà Lạt một biệt điện mới.

Ngày 8 tháng 4 năm 1933, Bảo Đại đã ban hành một đạo dụ cải tổ nội các, quyết định tự mình chấp chính và sắc phong thêm 5 thượng thư mới xuất thân từ giới học giả và hành chính là Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Hồ Đắc Khải, Ngô Đình Diệm và Bùi Bằng Đoàn nhằm thay thế các thượng thư già yếu hoặc kém năng lực Nguyễn Hữu Bài, Tôn Thất Đàn, Phạm Liệu, Võ Liêm, Vương Tứ Đại.

Ông thành lập Viện Dân biểu để trình bày nguyện vọng lên nhà vua và quan chức bảo hộ Pháp và cho phép Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ được thay mặt Nam triều trong việc hợp tác với chính quyền bảo hộ Pháp, tháng 12 năm 1933, Bảo Đại ra Bắc kỳ thăm dân chúng.

Hoàng đế Đế quốc Việt Nam (1945)

Thành lập Đế quốc Việt Nam

Sau khi Đế quốc Nhật Bản đảo chính Pháp, bộ máy hành chính của thực dân Pháp tan rã, vì thế việc thành lập chính phủ mới được Nhật đặt ra như một đòi hỏi cấp bách và Đế quốc Việt Nam ra đời trong bối cảnh đó. Theo sự sắp xếp của quân đội Nhật, ngày 11 tháng 3 năm 1945, vua Bảo Đại gặp cố vấn tối cao của Nhật là Đại sứ Yokoyama Masayuki tại điện Kiến Trung để ký bản “Tuyên cáo Việt Nam độc lập” (bản tuyên cáo này do Nhật Bản soạn sẵn và họ đã gây sức ép để các quan đại thần nhà Nguyễn phải ký vào đêm hôm trước). Tuyên cáo do Bảo Đại ký có nội dung chính là tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, bãi bỏ các hiệp ước bảo hộ và bất bình đẳng với Pháp trước đây. Tuy nhiên, đoạn sau của Tuyên cáo được Nhật cài thêm khẩu hiệu về Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á, theo đó quân Nhật có quyền trưng dụng tài sản trên toàn Việt Nam:

“ Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung.

Vậy Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên. Khâm thử!”

Ngày 7 tháng 4 năm 1945, Bảo Đại đã ký đạo dụ số 5 chuẩn y thành phần nội các Trần Trọng Kim. Ngày 12 tháng 5 ông giải thể Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tháng 6 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam, lấy cờ quẻ Ly làm quốc kỳ.

Ngày 16 tháng 8 năm 1945, khi Đế quốc Nhật Bản đầu hàng khối Đồng minh, Trần Trọng Kim tuyên bố bảo vệ nội các Đế quốc Việt Nam, và ngày 18 tháng 8 tạo ra một Ủy ban Giải phóng Dân tộc. Theo lời khuyên của ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bảo Đại gửi thông điệp cho các nước Đồng Minh (Tổng thống Truman, vua nước Anh, Thống chế Tưởng Giới Thạch, Tướng de Gaulle) đề nghị công nhận Đế quốc Việt Nam. Ngày 18 tháng 8, Bảo Đại gửi một thông điệp đến De Gaulle đề nghị công nhận Đế quốc Việt Nam. Tuy nhiên De Gaulle không quan tâm đến đề nghị của Bảo Đại, bởi ông ta đã thỏa hiệp với Nhật Bản, kẻ thù của Pháp. De Gaulle dự kiến sẽ hậu thuẫn cho một chế độ quân chủ mà người đứng đầu không phải là Bảo Đại, mà là Vĩnh San (vua Duy Tân), được xem như là một người “Gaullist” (người ủng hộ nhiệt tình De Gaulle). Tất cả mọi bức thư mà Bảo Đại gửi cho những nước khác (Mỹ, Trung Quốc, Anh…) cũng đều không được hồi âm, vì theo Tuyên bố Cairo, các nước Đồng Minh sẽ không công nhận bất cứ chính phủ nào do Đế quốc Nhật Bản thành lập ở các vùng chiếm đóng, mà Đế quốc Việt Nam là một trong số đó.

Đến 24 tháng 8, khi cách mạng tháng 8 đã nổ ra khắp cả nước, được sự vận động của ông Phạm Khắc Hòe, Bảo Đại đã trả lời Hội đồng Cơ mật rằng ông quyết định thoái vị “để không phải là một trở ngại cho sự giải phóng của đất nước”.

Thoái vị

Từ tháng 3 năm 1945, Việt Nam rơi vào một tình trạng hỗn loạn do khoảng trống về quyền lực chính trị quá lớn. Người Nhật đang lo chống đỡ các đòn tấn công của quân đội đồng minh Anh-Mỹ. Cả chính phủ của Trần Trọng Kim lẫn triều đình của Bảo Đại đều không đủ lực lượng quân sự và uy tín chính trị để kiểm soát tình hình. Theo Peter A. Pull, chỉ có Việt Minh là lực lượng có tổ chức duy nhất có khả năng nắm được quyền chính trị. Chiến tranh đã làm kiệt quệ nền kinh tế, nước Nhật cạn kiệt nguyên liệu nên quân Nhật chiếm lấy lúa gạo và các sản phẩm khác, bắt dân Việt phá lúa trồng đay để phục vụ chiến tranh, cộng thêm thiên tai, nạn đói (Nạn đói Ất Dậu) đã xảy ra tại Bắc kỳ và Trung kỳ. Người ta ước tính rằng đã có khoảng hai triệu người chết vì nạn đói này.

Ngày 17/8, quần chúng Hà Nội hạ cờ quẻ Ly xuống, treo cờ đỏ sao vàng lên, biến cuộc mít tinh của Tổng hội Công chức Đông Dương ủng hộ vua Bảo Đại thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh. Hai ngày sau, quần chúng Hà Nội chiếm dinh Khâm sai Bắc bộ, thành lập chính quyền cách mạng. Cuộc tổng khởi nghĩa do Việt Minh lãnh đạo nhanh chóng lan ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Tại các địa phương trên cả nước, Việt Minh buộc chính quyền Đế quốc Việt Nam giao quyền lực cho họ. Trước tình thế đó, theo lời khuyên của quan đại thần Phạm Khắc Hòe, Bảo Đại quyết định thoái vị. Bảo Đại không rõ phải liên lạc với ai ở Hà Nội, nên gửi một điện tín tới “Ủy ban nhân dân Cứu quốc” ở Hà Nội: “Đáp ứng lời kêu gọi của Ủy ban, tôi sẵn sàng thoái vị. Trước giờ quyết định này của lịch sử quốc gia, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng hy sinh tất cả mọi quyền lợi, để cho sự đoàn kết được thành tựu, và yêu cầu đại diện của Ủy ban sớm tới Huế, để nhận bàn giao”.

Ngày 22 tháng 8, được tin Việt Minh đã chiếm chính quyền ở Hà Nội và nhiều nơi khác trong nước, nhà vua vẫn hy vọng có thể giữ được ngôi báu bằng cách giao cho Việt Minh thành lập nội các mới. Ông ban chiếu mời thủ lĩnh Việt Minh vào Huế lập nội các.

Sáng ngày 23 tháng 8, hai phái viên của Việt Minh là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận đến cung điện Huế. Theo lời yêu cầu của hai người này, chiều ngày 30 tháng 8 năm 1945, Bảo Đại đã đọc Tuyên ngôn Thoái vị trước hàng ngàn người tụ họp trước cửa Ngọ Môn và sau đó trao ấn tín và bảo kiếm, quốc bảo của hoàng triều cho Trần Huy Liệu. Ông trở thành công dân Vĩnh Thụy. Trong bản Tuyên ngôn Thoái vị, ông tuyên bố thoái vị với lý do “Chiếu đà tiến dân chủ đang đẩy mạnh ở miền Bắc nước ta, Trẫm e ngại rằng một sự tranh chấp giữa miền Bắc với miền Nam khó tránh được, nếu Trẫm đợi sau cuộc trưng cầu dân ý, để quyết định thoái vị. Trẫm hiểu rằng, nếu có cuộc tranh chấp đó, đưa cả nước vào hỗn loạn đau thương, thì chỉ có lợi cho kẻ xâm lăng”. Ông mong chính phủ mới đối xử ôn hoà với các đảng phái đối lập để họ có thể góp sức kiến thiết quốc gia và để chứng tỏ chính thể mới xây đắp trên sự đoàn kết quốc dân. Ông có câu nói “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước nô lệ”.

Lễ thoái vị vừa kết thúc, Hoàng đế và Hoàng hậu họp tất cả những gia nhân, hầu cận, thị vệ thị nữ để họ thu dọn đồ đạc, giao lại hoàng cung cùng tài sản công của Triều đình cho chính quyền cách mạng, đại bộ phận cho về gia đình quê hương bản quán. Ông chỉ giữ lại những đồ dùng cá nhân, quà biếu có thể mang theo. Vua đã thoái vị, triều đình đã không còn, nền quân chủ đã sụp đổ.

Chiều ngày 31 tháng 8, bà hoàng thái hậu Từ Cung cùng mẹ con bà Nam Phương và gia nhân đã dọn hết đồ đạc tài sản riêng về An Cựu ở trong cung An Định trước đây là nơi nghỉ hè của hoàng gia. Trong lúc Bảo Đại còn đang hoàn thành việc bàn giao thì ông Tôn Quang Phiệt, chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển đến cho cựu hoàng một bức điện khẩn:

“Chính phủ lâm thời mời công dân Vĩnh Thuỵ ra Hà Nội làm cố vấn tối cao cho chính phủ. Nếu nhận lời, sẽ có những chỉ dẫn cần thiết để ông cố vấn có thể ra Hà Nội sớm nhất.
Ký tên: Hồ Chí Minh”.

Ông đọc đi đọc lại bức điện, mặt tái đi, nghĩ đây có phải là một cuộc đi đày trá hình chăng. Một lần nữa Vĩnh Thuỵ lại nhún vai, đưa bàn tay trái lên ngang cổ, lẩm bẩm nói một câu tiếng Pháp: “Đã đến cổ rồi có lên thêm một chút nữa cũng chẳng can chi”.

Ngày 2 tháng 9, năm giờ sáng, hai ngày sau lễ thoái vị, công dân Vĩnh Thuỵ rời Huế ra Hà Nội, với chức vụ cố vấn của chính phủ và chủ tịch Hồ Chí Minh đang chờ ông. Đoàn gồm hai xe ôtô. Xe thứ nhất chở Vĩnh Thuỵ được Bộ trưởng Lao động Lê Văn Hiến tháp tùng. Xe kia chở hoàng thân Vĩnh Cẩn. Phái đoàn Trần Huy Liệu sau khi nhận ấn, kiếm đã lên đường ra Hà Nội từ hôm trước. Nhà nước mới chưa có xe, đoàn dùng hai chiếc xe riêng của cựu hoàng. Hành trình sáu trăm cây số từ Huế ra Hà Nội đã được thực hiện trên hai chiếc xe tiện nghi nhất lúc đó là các xe Mercury và Packard.

Trên đường ra Bắc, phái đoàn được dân chúng nhiều nơi nghênh đón không phải chỉ nhằm Bộ trưởng Lê Văn Hiến, cựu chính trị Phạm Kontum mà cả cựu hoàng Bảo Đại từ nay được gọi là Cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ. Ông vốn là người ít nói, nhất là lần đầu tiên tiếp xúc với quảng đại quần chúng mạnh dạn hồ hởi chứ không phải quan lại, chức dịch chỉ sụp lạy không dám ngẩng đầu nhìn thẳng vào mặt vua. Bộ trưởng Văn Hiến kể lại:

“Có lẽ tính ông Vĩnh Thuỵ hơi nhút nhát… Ông ta chẳng biết gì về cách mạng, ông hỏi tôi Hồ Chí Minh là ai. Tôi cho ông biết đó chính là Nguyễn Ái Quốc, ông có vẻ hài lòng. Hôm đầu tiên khi ông được biết Hồ Chí Minh và Nguyễn Ái Quốc là một. Ông nhớ lại câu sấm truyền Nam Đàn sinh thánh”, ông đã thốt ra: “Thế thì thoái vị cũng đáng”.

Viết một bình luận