Theo bước chân Vua Việt đầu tiên ngự giá trời Tây: Hướng mắt vượt boong tàu

Năm 1863, đoàn sứ bộ nước Nam lên tàu sang Pháp, thực hiện nhiệm vụ quốc gia. Lần đầu sang Tây, biết bao điều mới mẻ mở ra trước mắt phái đoàn.

Cờ Đại Nam tại Suez

Về chuyến đi sứ này, Đại Nam thực lục ghi, vua Tự Đức “sai Hiệp biện Đại học sĩ là Phan Thanh Giản, Lại bộ Tả tham tri Phạm Phú Thứ, án sát Quảng Nam là Ngụy Khắc Đản đi sang sứ Tây dương (Thanh Giản sung làm Chánh sứ, Phú Thứ sung làm Phó sứ, Khắc Đản sung làm Bồi sứ)”. Nhận mệnh vua đại diện nước nhà sang Tây, đoàn sứ bộ từ Huế đi tàu vào Gia Định rồi theo tàu Européen vượt biển qua Âu. Chánh sứ Phan Thanh Giản trong cảnh ấy làm bài “Cảm tác trong khi đi sứ”, có câu: “Ngàn trùng biển cả sang Tây địa/Muôn dặm đường xa thẳng đế kinh”.

Đại học sĩ Phan Thanh Giản được cử làm Chánh sứ dẫn đoàn sang Pháp

Chuyến đi của sứ đoàn gặp nhiều khó khăn khi có lúc gặp bão phải tránh và thiệt hại cả về sinh mạng. Theo ghi chép của Phạm Phú Thứ, trên đường đi, thông ngôn Nguyễn Văn Trường, thầy thuốc Nguyễn Văn Huy bị bệnh mất, viên đội Nguyễn Hữu Tước thì phát bệnh điên. Gặp những mất mát về lực lượng, khó khăn do thời tiết, nhưng hải trình của sứ đoàn qua nhiều vùng đất đã thu hút sự chú ý của những người đa phần lần đầu tiên ra khỏi lãnh thổ.

Lần lượt đoàn ghé những vùng đất như Tân Gia Ba (Singapore), Ai Cập… Những ngày lênh đênh trên biển, nhiều lễ nghi giao tiếp quốc tế được sứ đoàn làm quen như bắt tay, bắn đại bác chào đón, tấu nhạc tiễn khách… Nhiều phong tục, kiến thức các vùng đất được tìm hiểu. Ấy là tục thờ thần lửa, điểu táng ở Tân Gia Ba; là trang phục hijab kín mít của nữ giới, tục hút ống điếu của nam giới hay tục tắm sông Nile khi gần đến ngày cưới, không ăn thịt heo và uống rượu do theo đạo Hồi của người Ai Cập…

Tây phương kỹ nghệ hiện đại

Là những trí thức Nho học, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, rồi Ngụy Khắc Đản, Trương Vĩnh Ký đã không bỏ lỡ dịp quan sát, tìm hiểu, ghi chép về một Tây phương mới lạ. Ngoài công việc ngoại giao giữa hai nước Pháp – Nam, sứ đoàn có thời giờ thăm thú, tìm hiểu nhiều nơi trên đất Pháp. Trong đó, ấn tượng sâu đậm là hoạt động kinh tế phát triển vượt bậc, được Tây phù nhật ký (Tôn Thọ Tường diễn quốc âm) khen là “Lại thêm cơ khí các trường,/Thêu hoa dệt gấm nhiều phương khéo tầm”.

Trương Vĩnh Ký theo đoàn với vai trò thông ngôn

Ngay như hoạt động thủ công nghiệp cũng có kỹ thuật cao khi các hiệu mạ vàng bạc dùng điện giúp việc mạ diễn ra nhanh hơn, lại biết tiếp thị sản phẩm bằng catalogue in mẫu hàng. Nhiều hoạt động sản xuất áp dụng máy móc thay thế sức người với năng suất vượt trội. Nhà máy làm giấy, mỗi công đoạn đều có một loại máy riêng, sử dụng động cơ hơi nước; xưởng cơ khí dùng máy móc tùy loại để gọt giũa máy xe lửa, đốt hơi, làm thuốc lá, dệt vải…

Hệ thống nước ngầm được thiết kế, đấu nối cung cấp nước cho toàn thành phố. Trong Như Tây ký, Ngụy Khắc Đản ghi Paris có Sở Khí đốt tạo khí gas cùng hệ thống ống dẫn đưa khí đốt đến tận các hộ gia đình dùng và trả tiền theo dung lượng. Đường phố Paris, Madrid về đêm sáng trưng nhờ có hệ thống đèn thắp sáng trong miêu tả của Tây hành nhật ký. Nơi Tây phù thi lục, Phạm Phú Thứ có đoạn khen “Cây hoa, sông núi xem qua kính/Dây điện giăng theo đường, phố, đài”.

Dù chưa có máy bay làm chủ bầu trời, nhưng ở Pháp, khinh khí cầu đã có và gây ngỡ ngàng cho sứ đoàn. Ngày 4.10, tại cánh đồng thần Mars, sứ bộ tận mắt xem khinh khí cầu chở 12 người bay lên không trung cũng như tìm hiểu nguyên lý hoạt động. Sau đó, đoàn còn được xem khinh khí cầu bay vào ngày 18.10.

Tác phẩm Như Tây ký của Bồi sứ Ngụy Khắc Đản

Nếu như ở Việt Nam, công tác truyền tin tức vẫn còn qua mõ làng, ca dao, hò vè…, tân tiến hơn có báo Bulletin officiel de l’Expédition de la Cochinchine, Bulletin des Communes của người Pháp, thì lúc này tại Pháp đã có nhật báo (báo ngày) để “tất cả những điều nghe thấy mới trong một ngày, có chỗ được chê hoặc khen, đều in ra để truyền bá”. Như Tây ký còn cho biết bưu điện, điện thoại cũng trở nên phổ biến.

Kỹ thuật chế tạo vũ khí của Pháp cũng cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong phương tiện chiến tranh “xứ lục lăng”. Họ đã có trang phục lặn không ngấm nước dùng bình thở, pháo lớn bắn xa hơn 1 km, súng bắn một lần mười viên đạn… Đạn được chế tạo tại xưởng và làm bằng máy nhiều công đoạn, riêng nòng súng thì “mỗi một cái máy, trong mười giờ Tây, làm được năm ngàn ống hạng nhỏ, và năm vạn ống hạng lớn”.

Với những gì được thấy nơi trời Tây, Trương Vĩnh Ký đã ghi lại trong bức thư gửi người bạn Pháp của mình, có đoạn: “Tất cả những người trong sứ bộ chúng tôi đều tin chắc rằng châu Âu rất tiến bộ về văn minh; họ hiểu ưu thế của nước các ông về nghệ thuật tiện nghi và biết rằng các ông hơn họ về khoa học và kỹ nghệ”… “Họ khen ngợi các phong tục, thói quen và phong hóa người Âu châu”. Còn Chánh sứ Phan Thanh Giản bày tỏ trong bài “Cảm tác sau khi “chính sứ như Tây”: “Từ ngày đi sứ đến Tây kinh,/Thấy việc Âu châu phải giật mình./Kêu rủ đồng bang mau thức dậy,/Hết lời năn nỉ chẳng ai tin”. (còn tiếp)

Viết một bình luận