Bài phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ năm 1963

Mời các bạn đọc lại bài phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ của ký giả-nhà văn Nguiễn Ngu Í, đăng trên tạp chí Bách Khoa vào năm 1963. Qua bài phỏng vấn đã có từ gần 60 năm trước này, độc giả phần nào hình dung được đời sống và sinh hoạt âm nhạc nói riêng và văn nghệ nói chung của miền Nam vào đầu thập niên 1960.

Trong bài phỏng vấn này, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng nói nhiều về Đoàn văn nghệ Việt Nam nổi tiếng được ông thành lập năm 1961, gồm hơn 100 nghệ sĩ tên tuổi đã lưu diễn qua nhiều nước Á Châu cũng như nhiều thành phố trên thế giới: Vientiane, Hongkong, Taipei, Tokyo, Bangkok, Singapore, Sénégal, Paris, London…

Đoàn văn nghệ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tại Pháp năm 1968

  • Người ta thường bảo anh: người nhỏ mà ưa làm lớn, cái gì cũng vĩ-đại cả. Sáng tác nhạc thì ưng làm “Ngày trọng đại”, một bản trường ca, trong khi công chúng hầu hết thích các ca khúc ngắn; lập gánh thì lấy tên là “Đoàn Văn-Nghệ Việt-Nam”. Anh nghĩ sao về “lời thiên hạ” ấy?

Tôi chưa bao giờ ưa làm lớn. Tôi chỉ thích làm những cái đáng làm và phải làm. Những cái đáng làm và phải làm của tôi chỉ bằng hạt cát hoặc con ruồi, con muỗi. Nhưng sở dĩ có người cho những việc đó là lớn lao, vĩ-đại vì không ai hoặc rất ít người chịu khó và can đảm làm những việc đó.

Luận về lớn bé, to nhỏ, vĩ-đại, tí hon, chỉ có thế.

Có một dạo, tôi tạm ngừng sáng tác những ca khúc ngắn để viết những trường ca như Ngày Trọng Đại, Máu Hồng Sử Xanh, Triều Vui Thế Hệ, Tiếng Trống Diên-Hồng. Sự đổi hướng tạm thời trong đời sáng tác của tôi chỉ là một cố gắng, cố gắng tầm thường. Ngoài ra, đó cũng chỉ là một câu trả lời cho một câu hỏi mà tôi thường tự đặt ra cho tôi: “Mãi sáng tác những ca khúc sao? Nhạc Việt chỉ có ca khúc sao?”.

Việc làm của tôi là một việc hết sức giản dị, thoát thai từ một quan niệm cũng vô cùng giản dị.

Mục đích của tôi có gì là vòi vọi xa xôi đâu, nếu không nói là thấp hèn và gần gụi: đẩy biệc sáng tác xa một gang, nâng cao nghệ-thuật trình-diễn lên một tấc, tạo một gạch nối tí hon giữa lối sáng tác trình diễn ca khúc ngắn và nghệ thuật sáng tác trình diễn loại nhạc diễn tả không lời. Rồi có dạo, tôi can đảm thành lập “Đoàn Văn-Nghệ Việt-Nam”.

Nhiều người, mặc dầu tôi đã giải thích và thanh minh nhiều lần, vẫn cố tình hiểu lầm rằng tôi có nhiều “gan lớn” và “tham vọng” (muốn đại diện cho nước Việt-Nam).

Từ ngày tập tềnh làm văn nghệ, tôi hằng ôm một giấc mộng con con là dù sáng tác, dù trình diễn, lúc nào cũng phải nghĩ đến Việt-Nam, phải đặt dân tộc tính lên trên cả. Đoàn văn nghệ của tôi có cái tên “Việt Nam” vì Đoàn Văn Nghệ của tôi mang một ước vọng thầm kín là trình diễn thứ văn nghệ có cá tính Việt-Nam. Cũng vì vậy, mà chúng tôi – những người xây dựng Đoàn – đã cố gắng tạo những điệu vũ, ca khúc mang ít nhiều dân tộc tính Việt Nam.

Mục đích của “Đoàn Văn Nghệ Việt Nam” là giới thiệu ít nhiều khía cạnh văn nghệ của dân tộc có nhiều ít màu sắc Việt Nam.

Đoàn văn nghệ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ
Tôi thiết tưởng ước vọng thầm kín ấy của tôi, lòng nghệ sĩ Việt-Nam nào chẳng có, và mục đích bé bỏng của tôi, bàn tay nghệ sĩ Việt Nam nào chẳng ôm ấp?

Thế thì có gì là mới và vĩ đại đâu? Có nhiều lúc tôi xấu hổ nhiều hơn là hãnh diện khi thấy nhiều người nhắc nhở đến tên tuổi tôi và việc làm của tôi.

Tôi nghĩ rằng Việt-Nam phải có nhiều nhân tài làm việc cho văn nghệ, cho ca nhạc, mà trong số đó tôi không được phép góp mặt. Tôi đã nhiều lần tâm tình với anh chị em ruột thịt của tôi về chuyện tôi muốn từ giã thế giới văn nghệ vì việc thiếu tài của tôi. Tôi cũng mong rằng ngày “hồi hưu” ấy không còn xa.

Từ trước đến nay tôi luôn luôn chỉ nguyện làm thân con đom đóm lập loè giữa đêm tối. (Chắc ai cũng biết lửa đom đóm chẳng lấy gì làm rực rỡ vinh quang). Ngày nào có nhiều ngọn đèn xuất hiện, con đom đóm kia xin nguyện biệt dạng vào khóm lá bờ tre. Nhưng đóm kia, giờ đây xin được hưởng một chút công bằng nhỏ bé trên trần gian: Thấy đom đóm thì cứ gọi là đom đóm, chớ gọi là đèn.

  • “Ngày Trọng Đại” của anh là một quả bóng dò đường hay là viên đá đầu tiên của một công trình kiến trúc vững bền về âm thanh?

Tôi rất tin tưởng khi tôi làm một việc gì. “Ngày Trọng Đại” của tôi có thể là một bước dò dẫm, tuy dò dẫm nhưng đầy tự tin, mà cũng có thể là một viên đá đầu tiên cho công trình kiến trúc vì âm thanh của riêng tôi.

Anh Nguiễn-Ngu-Í (người phỏng vấn) nên nhớ cho tôi rằng: “Ngày Trọng Đại” là trường ca thứ tư mà tôi đã viết trong đời, chứ không phải là trường ca đầu tiên.

Cách đây 10 tháng, khi tôi ở Nhật-Bản về, tôi đã nhận được thư của nhạc trưởng ban nhạc đại hoà tấu không quân Hoa-Kì thương lượng với tôi được trình diễn “Ngày Trọng Đại” tại Hoa-Kì. Tôi đã gửi cho ông ta bài ấy với lời ca bằng tiếng Anh và cả phần phụ soạn hoà âm.

Đời văn nghệ của tôi đau đón và khổ sở nhiều. Bây giờ anh cho phép tôi cười một chút và sung sướng một tí anh nhé.
Hoàng Thi Thơ và các nghệ sĩ đoàn Việt Nam tại đài truyền hình NHK, Tokyo, Nhật Bản

  • Cũng có người cho rằng âm nhạc trên nước Việt ta chỉ có hai dòng: Quốc nhạc (tức cổ nhạc) và nhạc Tây phương, họ không công nhận Tân nhạc và dòng nhạc thứ ba. Họ lại cho rằng cái nhạc được gắn cái tên là Tân chẳng có cái gì mới cả, mà cũng chẳng có gì đặc biệt để đáng gọi là cải cách cả. Anh có thể cho biết ý kiến của anh?

Quan niệm ấy hơi mất gốc. Những ca khúc: “Tiếng Gọi Sinh Viên” (bài Quốc ca) của Lưu-Hữu-Phước, “Thiên Thai” của Văn-Cao, Con Đường Cái Quan (và vô số bài khác) của Phạm-Duy, “Hòn Vọng Phu” của Lê Thương, “Đêm Tàn Bến Ngự” của Dương-Thiệu-Tước, một vài bài mà tôi không nhớ tên của nhạc sư Nguyễn-Phụng, Giám đốc trường Quốc gia Âm Nhạc v.v… những bài đó gọi là “Quốc Nhạc” hay “Nhạc Tây phương”?

Khi ca sĩ trình bày một ca khúc của Phạm-Duy, chúng ta có thể giới thiệu là một bài “Quốc Nhạc” được không? Tuyệt đối là không.

Khi một ca sĩ trình bày một sáng tác của Nguyễn-Phụng, chúng ta có thế giới thiệu là “một bài nhạc Tây-Phương do ông Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc sáng tác” được không? Nếu giới thiệu như thế thì thực lố bịch hết chỗ nói.

Vậy những bài nhạc đó thuộc loại nhạc gì, nếu không nói là những sáng tác của những nhạc sĩ Việt-Nam. Loại nhạc đó quyết không phải “Quốc Nhạc” (vì không đại diện hoàn toàn cho Quốc gia), mà cũng không phải là “Nhạc Tây-phương” (vì có mang hồn Việt-Nam). Loại nhạc đó, tuỳ ai muốn đặt tên gì thì cứ đặt, những đã hiển nhiên nằm trong một dòng nhạc khác (khác với nhạc Tây phương và Quốc Nhạc) rất phong phú, rất ồ ạt, mà người đời đặt cho một cái tên là “Tân Nhạc” hoặc là “Nhạc Cải Cách”.

Kể ra dòng nhạc đó có cái tên “Tân” hay “Cải Cách” đều có phần đúng cả. “Tân” là mới. Nó được gọi là “mới” vì nó khác với “cũ”. Ngược thời gian ta thấy rằng nó hoàn toàn khác với dòng nhạc đã có từ ngàn xưa: Quốc Nhạc. So sánh một điêu “Nam Ai, Nam Bằng” miền Trung với “Hòn Vọng Phu” của Lê-Thương, ta có thể phân biệt được cái “cũ” cái “mới” ngay.

“Cải cách” là sửa đổi lại (réformer, rénover). Chính khi sáng tác, những nhạc sĩ Việt-Nam đã “cải cách” rất nhiều: cải cách ý tứ, cải cách hứng cảm, cải cách hình thức, cải cách ghi chép, cải cách hoà âm. So sánh một điệu “Chầu-Văn” miền Bắc (hoặc Trung) với bài “Lửa Rừng Đêm” của Nguyễn-Hữu-Ba, hoặc một điệu “Lí Huế” với bài “Tiếng Hát Dân Chàm” của Châu-Kỳ, hoặc một điệu Quan Họ “Tình Bằng” với bài “Tình Tự Tin” của Phạm-Duy, ta có thể phân biệt dễ dàng cái “nguyên thể” và cái “cải cách”.

Cho rằng chỉ có 2 dòng nhạc trên nước ta là Quốc Nhạc và nhạc Tây phương, chứ không công nhận có dòng Tân Nhạc, cũng giống như nói rằng chỉ có hai thứ người ở Việt-Nam. Một là người Việt thuần tuý với bộ quốc phục khăn đen áo dài, và hai là người Tây trăm phầm trăm với bộ “đồ Tây”.

Tại sao lại cho rằng người Việt mặc đồ Tây đều là Tây phương cả? Theo tôi, nói một cách âm nhạc hơn, người Việt mặc đồ Tây, phải được gọi là “Tân” hay “Cải cách” mà thôi. Không thể gọi họ là “Tây phương” được. Vì tuy họ mặc “đồ Tây”, nhưng họ da vàng, mũi họ tẹt, họ nói tiếng Việt-Nam, họ tư tưởng theo lối dân của miền đất hình chữ S, tâm hồn họ là tâm hồn của giống Tiên Rồng, cách làm duyên, cách đi đứng của họ theo lối của đám người sống trên dải đất đầy chim chóc, đầy âm thanh, đầy cảnh đẹp, đầy thi phú nầy.

Không nhận có dòng Tân nhạc là muốn có cái thái độ của Tần-Thỉ-Hoàng nhúm lửa đốt sạch mấy ngàn công trình sáng tạo của mấy trăm tâm hồn đã từng rướm máu.

Không nhận có dòng Tân nhạc là muốn phủ nhận những con người có công lao như Phạm-Duy, Dương-Thiệu-Tước, Lê-Thương, Nguyễn-Hữu-Ba, Thẩm-Oánh, Văn-Cao, Lưu-Hữu-Phước v.v…

Không nhận dòng Tân nhạc là muốn lột cái thẻ bài “nhạc sĩ Việt” của những nghệ sĩ này và đuổi họ ra khỏi cái thế giới âm thanh.

Và khi làm thế, nói thế là hoàn toàn phủ nhận công lao của một số người đã rất có ích cho việc xây dựng không những cho nền văn nghệ nước nhà mà còn cho sự đứng vững của cả một quốc gia, kể từ năm 1963, khi họ dùng những con đẻ tinh thần của họ để làm cách mạng cho đến 1935, để chống xâm lăng giữ nước, đằng đẳng suốt 30 năm trường.

  • Nền nhạc Việt ta hiện nay đứng, lùi, hay tiến?

Không lùi, chằng đứng, mà tiến. Không tiến về phẩm thì cũng tiến về lượng. Tiến cũng như lòng đố kị, tị hiềm nhau thường thấy trong làng nhạc.

  • Xin anh cho biết vai trò của trường Quốc-gia Âm nhạc và Kịch nghệ?

Điều này, xin anh hỏi nhạc sư Nguyễn-Phụng, Giám đốc Trường, thì tiện hơn.

Nhưng tôi cũng xin vô lễ đưa ra ý cạn.

Dù dạy âm nhạc Tây phương hoặc dù dạy Quốc Nhạc, trường Quốc gia Âm nhạc, như cái tên đã đề ra, phải có nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên đến chỗ Xây dựng Âm nhạc Quốc gia. Trường nầy có nhiệm vụ đào tạo nhạc sĩ làm việc đắc lực cho nền nhạc Quốc gia, chứ không phải sản xuất những nhạc công, để rồi khi tốt nghiệp hoặc phải ra nước ngoài học thêm dài hạn, hoặc phải sống khốn đốn trong sự đe doạ liên miên của “thần Thất nghiệp”.

Tôi tin rằng, các nhạc sư của Trương ai cũng quan niệm như thế. Nhưng kết quả vẫn chưa được như mong ước, vì “ngôn dị hành nan” (nói dễ làm khó).

  • Xin anh cho biết vai trò của đài Vô tuyến truyền thanh đối với Tân nhạc?

Đài Vô tuyến truyền thanh đã giúp được một phần lớn trong việc giới thiệu và phổ biến các sáng tác của giới Tân nhạc.

  • Nếu có thể, xin anh vui lòng cho biết anh bước vào thế giới âm thanh trong trường hợp nào, cùng những khó khăn mà anh đã gặp để có ngày hôm nay.

Tôi yêu nhạc từ nhỏ. Tuy nhiên, trong gia đình tôi, chẳng có ai làm “nghề nầy” cả. Chỉ có tôi là “ngược gia phong”.

Tôi đã mê nhạc và sáng tác từ thời mới Kháng chiến. Có lẽ cuộc sống phiêu lưu nhiều khía cạnh, có lẽ tình cảm dạt dào của tuổi chưa biết yêu, có lẽ đời sống trữ tình của thời ấy đã hun đúc tâm hồn tôi hôm nay.

Đến ngày nay của đời tôi, đường đi thật khó. Chông gai chơm chởm. Trở ngại hằng hà. Khó khăn không hiếm. Nhưng không gì ghê tởm bằng lòng ganh ghét, tị hiềm của đồng nghiệp, bạn bè. Dân chúng bao giờ cũng dành cảm tình cho mình. Nhưng bạn bè thì muốn mình phải suốt đời lặn hụp dưới bùn. mình dốt, bất tài, họ chê bai thậm tệ. Mình sáng một chút, có làm được đôi việc, họ tìm cách dìm mình xuống, xuống tận lớp đất thứ chín, không cách gì ngóc đầu lên nổi. Da thịt một chặp trở nên dạn dày, cung tên không thủng. Đầu óc trở nên lạnh giá. Lòng rồi cũng trơ trơ. Nhưng cứ thế mà làm việc. Và có thế làm việc mới được, và làm được nhiều. Mong rằng những người thường công kích, nguyền rủa tôi, hiểu cho tôi hiện đang ở trong trạng thái ấy, và hiểu cho cái triết lí rẻ tiền của tôi:

“Đã nguyện làm thân con đom đóm kia bay giữa đường đêm ba mươi, thì cũng chẳng ngại gì những bàn tay trẻ dại vô tình muốn xé cánh, ngắt đầu…”

Đoàn văn nghệ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trước khi đi Nhật tháng 3/1975, chụp trước vũ trường Maxim’s

  • Xuất ngoại tập thể ba lần, anh thấy, nghe và nghĩ gì về nhạc nước ngoài: nhạc sân-khấu, nhạc thuần tuý, nhạc cổ-điển, nhạc vui tươi. Và thấy người ngẫm lại ta, anh có ý nghĩ gì, quyết định gì?

Mấy lần cá nhân tôi được may mắn ra nước ngoài và ba lần khác máy mắn hướng dẫn Đoàn Văn-Nghệ Việt-Nam xuất ngoại trình diễn, tôi có may mắn, có nhiều cơ hội. Chứng thị người ngoại quốc chơi nhạc tuyệt diệu! Thời kì ở Nhật Bản, tôi được nghe giàn nhạc cổ-điển Tây-phương trình-diễn. Giàn nhạc gồm 300 nhạc công. Không thể đem óc phân-tích ra mà nhận xét được. Phải phán đoán bằng cảm giác và cảm tưởng. Thực kì lạ! Về nhạc cổ-điển Tây-phương, họ đáng “Sư” của những “sư” Việt-Nam. Cũng trong thời gian ở Đông-Kinh, điều “khủng khiếp” hơn là được nghe giàn nhạc cổ-truyền Nhật Bản với 200 chiếc đàn “coto” và 200 chiếc đàn “samusen”.

“Ảo mộng, ảo mộng!”. Nghe xong ra về trong tôi cứ vang lên câu tán thán ấy: “Ảo mộng! Ảo mộng!”. Nghệ-thuật tình-diễn điêu luyện đến chỗ thần thánh! Âm-thanh lạ tai và kì diệu đến chỗ thần tiên! Lần thứ nhất mà e cũng lần chót trên đời tôi được nghe.

Tháng trước, qua Tân-Gia-Ba dự Đại Hội Văn-Nghệ Đông-Nam-Á, tôi lại được diễm phúc nghe giàn nhạc cổ-điển Tây-phương Tân-Gia-Ba. một giàn nhạc với một con số vĩ-đại: 600 người. Vĩ-đại hơn nữa là nhạc công đều là “tài tử” chứ không phải chuyên nghiệp. Hôm đó, họ trình diễn ba tiết mục: Les trois ouvertures de Léonore, op 71 của Beethoven; Symphonie inachevée No 8 en Si mineur của Schubert và Piano Concerto No 2 en Ré mineur của Mozart. Giàn nhạc do một nhạc trưởng Ấn-Độ, ông Alphonso Anthony điều khiển. Thực là một buổi hòa-tấu đúng với danh-từ.

Nghệ thuật trình-diễn âm-nhạc cổ-điển Tây-phương của nước ngoài đã vượt xa Việt-Nam, vượt xa đến mức khó lòng kẻ trước người sau bắt gặp nhau.

Nhạc sân-khấu của Nhật-Bản tiến quá sức tưởng tượng. Một giàn nhạc sân-khấu của họ không dưới 50 người. Nhiều sân khấu có đến từ hai đến ba giàn nhạc như thế. Sân-khấu Mikado có đến ba giàn. Sân khấu Hanabasha có đến hai giàn: một giàn nhạc “đồng”, một giàn nhạc “dây”. Loại nhạc nào họ chơi cũng được và rất được: nhạc cổ-điển Tây-phương, nhạc khiêu vũ, nhạc cổ truyền…

Thấy người ngẫm đến ta, tôi có rất nhiều ý nghĩ. Nhưng quyết định thì chẳng dám quyết-định gì cả. Những bậc thầy, đàn anh của tôi ở Quốc-gia Âm-nhạc-Viện phải có bổn-phận suy nghĩ và quyết-định đi. Họ phải cho rằng suy-nghĩ và quyết-định bây giờ đã là muộn lắm rồi.

(Bài phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ của ký giả-nhà văn Nguiễn Ngu Í, đăng trên tạp chí Bách Khoa vào năm 1963)
Nguồn:  Xuân Toàn

Viết một bình luận