Hình ảnh làng quê Việt Nam qua nhạc Phạm Duy thập niên 1950

Đã từ ngàn năm trước, hình ảnh của đất nước Việt Nam gắn liền với những cánh đồng lúa và những người nông dân. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì dân tộc Việt Nam vẫn sống chủ yếu bằng nông nghiệp từ ngày lập quốc, mãi cho đến tận thế kỷ 21 ngày nay.

Hình ảnh người nông dân Việt Nam chất phác, hiền lành, trung hậu, cần mẫn được ghi lại trong rất nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau, từ ca dao, dân ca cho đến thi ca, văn học, âm nhạc… Trong thể loại ca khúc, có lẽ không một tác phẩm nào diễn tả một gia đình nông dân Việt đẹp đẽ và trọn vẹn hơn là bộ ba ca khúc về Con Người Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy, bao gồm: “Em Bé Quê”, “Vợ Chồng Quê”, “Bà Mẹ Quê”.

Bộ ba ca khúc này được nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành vào năm 1954. Theo tác giả Phạm Duy, đây là loạt bài hát tình tự dân tộc. Trong đó, “Bà Mẹ Quê” tượng trưng cho lòng hy sinh, chí kiên nhẫn, và là biểu tượng của dĩ vãng. “Vợ Chồng Quê” tượng trưng cho tình yêu trong sạch, sức làm việc, niềm hạnh phúc của những kiếp người sống lành mạnh,và là biểu tượng của hiện tại. Và sau cùng, “Em Bé Quê”, là mầm non lớn mạnh của tổ quốc, là biểu tượng của tương lai.

Cả ba ca khúc đã trở thành bất tử trong nền âm nhạc của Việt Nam trước 1975. Đặc biệt là hai ca khúc “Bà Mẹ QuꔓEm Bé Quê”. Hầu như các trẻ em tiểu học của Miền Nam trước 1975 đều có biết đến hai ca khúc này. Và cho đến bây giờ, tại hải ngoại, hai ca khúc này vẫn được phổ biến, giúp cho trẻ em Việt Nam hiểu thêm về văn hóa Việt Nam.

Vì sao những ca khúc viết về gia đình làng quê Việt Nam này lại trở nên bất tử như vậy? Đầu tiên, cả ba ca khúc này đều sử dụng chất liệu ngũ cung của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Những giai điệu thật đẹp, lại đầy hồn quê, cho nên dễ nhớ, dễ đi vào lòng người.

Kế đến là phần lời. Nhạc sĩ Phạm Duy đã sử dụng những lời ca mộc mạc, đơn giản, nhưng lại lột tả được nét đẹp chân thật từ ngoại hình đến tâm hồn của người nông dân Việt Nam. Sử dụng từ ngữ đơn giản, nhưng lại làm rung động lòng người mãnh liệt, đó chính là đặc điểm trong lời ca của Phạm Duy.

Hãy nghe lại “Bà Mẹ Quê”, với những hình ảnh thân thuộc:

Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê, mẹ quê vất vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu

Bà bà mẹ quê! Gà gáy trên đầu ngọn tre
Bà bà mẹ quê! Chợ sớm đi chưa thấy về
Chờ nụ cười con, và đồng quà ngon.

Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già
Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa
Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà
Nắng nhiều nắng nhiều thì phơi lúa ra…

…Bà bà mẹ quê! Chân bước ra đời rồi xa
Bà bà mẹ quê! Từ lúc quê hương xóa nhòa
Nhìn về miền quê, mà giọt lệ sa…

Hình như trong cả ba phiên khúc của “Bà Mẹ Quê”, mỗi một câu, mỗi một từ ngữ đều để lại những hình ảnh tiêu biểu nhất cho một bà mẹ quê Việt Nam. Đàn gà trong vườn rau, mẹ đi chợ trưa về với quà cho lũ con trẻ. Hình ảnh mẹ lam lũ trong nắng, mưa để chăm sóc ruộng đồng, chăm đàn con nhỏ. Để rồi khi đàn con lớn lên, đi xa quê hương, mỗi lần nhớ về miền quê là không ngăn được dòng lệ thương nhớ. Cho đến tận bây giờ, mỗi lời hát trong “Bà Mẹ Quê” đều mang lại sự xúc động cho cả ca sĩ lẫn người nghe vì những hình ảnh sống động, chân thực mà nhạc sĩ Phạm Duy đã dùng để tả một bà mẹ quê.

Trong ca khúc “Vợ Chồng Quê”, người nghe như được xem lại một vở kịch về đời sống của một cặp tình nhân của làng quê Việt Nam, từ ngày quen nhau trên đồng ruộng, cho đến khi thành vợ chồng qua một đám cưới miền quê thanh bình, rồi sinh con đẻ cái, nuôi dạy con nên người:

Chàng là thanh niên mạch sống khơi trên luống cầy
Nói năng hiền lành như thóc với khoai
Nàng là con gái nết na trong xóm
Nước da đen ròn với nụ cười son…

…Một ngày sang Thu, Một buồng cau tơ
Quanh co lối xóm những tà áo mới.
Mẹ già yên lòng, Thiếu nữ mơ mòng
Các em nhi đồng trống ếch khua vang…

…Thuở nào vườn cau vừa mới cao ngang mái đầu
Lúa dăm ba sào, nay đã hai trâu
Nhìn thằng cu bé đẫm mưa trong ngõ
Nước mưa chan hoà cho tốt lúa nhà…

Ai cũng biết nghề nông là cơ cực. Nhưng hình ảnh “Vợ Chồng Quê” của Phạm Duy vẫn thấy niềm hạnh phúc tràn dâng trong cuộc đời thanh đạm. Bởi vì cuộc sống nơi thôn quê đầy ắp tình người, điều mà không phải những nơi sang giàu nào cũng có được.

Tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu con người đó thể hiện ngay cả với một em bé chăn trâu, trong ca khúc “Em Bé Quê”. Câu hát đầu tiên “Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ!” hầu như đã được học thuộc lòng bởi thế hệ thiếu niên nhi đồng của Miền Nam trước 1975. Hình như ngay cả các trẻ em sống ở thành thị cũng mơ ước được về sống trong cảnh miền quê thanh bình, qua bức họa em bé quê tuyệt đẹp mà nhạc sĩ Phạm Duy đã mô tả:

Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao
Vui thú không quên học đâu

Nằm đồi non gió mát
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo
Em đánh vần thật mau.
Chiều vương tiếng diều
Trên bờ đê vắng… xa…

Đường về xóm nhà, chữ i, chữ… tờ.
Lùa trâu nhốt chuồng, gánh nước nữa là… xong
Khoai lùi bếp nóng, Ngon hơn là vàng…

Không mê sao được! Khi mà một ngày của em bé quê thật là trọn vẹn. Chăn trâu giữa cánh đồng, miệng hát nghêu ngao, tay phất ngọn cờ lau. Em bé quê không quên học đánh vần để biết chữ. Và về đến nhà, món khoai nướng cho một buổi chiều đói bụng, có lẽ không có món sơn hào hải vị nào có thể sánh bằng…

Nguồn: Cung Mi (SBTN)

Viết một bình luận